"Sọ Dừa", có thể nói, là câu chuyện cổ tích "underrated" nhất trong kho tàng văn học Việt Nam.
Trong những bài phân tích mang tính phổ thông, "Sọ Dừa" thường có ý nói đến việc chúng ta không nên miệt thị những người phải sinh ra với khiếm khuyết hay dị tật bẩm sinh. Thay vào đó, chúng ta cần phải dành cho họ lòng cảm thông vì những sự thiệt thòi ấy.
Góc nhìn này tuy không sai, nhưng lại vô tình bỏ sót đi những tầng ý nghĩa rất uyên thâm mà "Sọ Dừa" còn có thể biểu đạt.
Để khai phá những góc độ này, tôi sẽ cần phải mượn đến lăng kính của Carl Jung - người khai sinh ra trường phái tâm lý học phân tích (analytical psychology) vừa mộng mơ vừa huyền bí.
Trong quan niệm của tâm lý học phân tích, tâm hồn con người không phải chỉ là một chủ thể đơn nguyên, mà là một tập hợp của nhiều phân mảnh thứ cấp (sub-personality), hệ thống lại cùng nhau để tạo thành một quần thể.
Những phân mảnh này không dễ để phân định rạch ròi, vì chúng ta chỉ có thể phỏng đoán và diễn giải những hoạt động của chúng một cách gián tiếp thông qua những biểu hiện bên ngoài.
Vậy làm thế nào để ta nắm bắt được những phân mảnh ấy?
Carl Jung cho rằng: những câu chuyện truyền miệng của loài người thuở sơ khai, không nên chỉ được hiểu theo đúng nghĩa đen, mà cần phải được nhìn nhận như những sự biểu đạt ngẫu nhiên và thuần khiết nhất của tâm hồn con người.
Qua phương thức biểu đạt này, những phân mảnh thứ cấp của tâm hồn hiện rõ, dưới hình thức của những nhân vật hư cấu và những gì họ biểu tượng.
Với góc nhìn này, Sọ Dừa thể hiện rõ vai trò thực sự của mình. Anh không phải chỉ là một người khuyết tật kém may mắn nào đó, mà còn tượng trưng cho chính những gì thiếu sót và vụn vỡ trong tâm hồn chúng ta.
Đó là những phân mảnh lập dị, khác thường mà mỗi người đều đang mang trong mình.
Đó có thể là một thiếu sót về mặt ngoại hình, một yếu kém về năng lực, hay một tổn thương nào đó trong quá khứ.
Từ tận sâu bên trong, ai cũng đều có những mảnh vỡ riêng.
Chúng ta đâu cần phải sinh ra chỉ với cái đầu trọc lốc để đồng cảm với những điều này. Những nỗi tự ti của Sọ Dừa, thực chất cũng chính là những nỗi tự ti của chúng ta.
Sự khinh miệt của mấy cô con gái phú ông, hóa ra cũng chính là những phán xét cay nghiệt chúng ta dành cho chính bản thân, khi thấy mình sao không được sinh ra "bình thường" như những người khác.
Phải mang trên vai những gánh nặng này mới thấy, tấm lòng của người mẹ quả thật đáng trân trọng. Thế nhưng, ẩn hiện sau tình yêu ấy là lòng thương hại, là nỗi mặc cảm, vì phần nào chúng ta biết, mình chính là người chịu trách nhiệm cho những tổn thương.
Vậy, chúng ta phải làm gì với những mảnh vỡ trong tâm hồn mình?
Hãy đối xử với những mảnh vỡ ấy, như cách mà cô con gái út của phú ông đối xử với Sọ Dừa. Ấy là sự đối đãi bằng tình yêu thương, bằng lòng chân thành, bằng nỗi cảm thông. Cô chấp nhận Sọ Dừa và tất cả những khiếm khuyết bằng thái độ vô tư không phán xét.
Và chỉ khi đó, Sọ Dừa mới chuyển hóa trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, và thậm chí là có phép thuật. Mấy cô chị lúc ấy mới sinh lòng ganh tị, vì đã bỏ lỡ cơ hội để có được anh.
Điều đó cũng có nghĩa, khi đối diện với những khuyết điểm của bản thân, hãy đừng chối bỏ, khinh miệt, hay dồn nén nó để những rạn nứt còn càng bị khắc sâu. Thay vào đó, hãy sẵn sàng chấp nhận và dành lòng bao dung cho chính bản thân.
Đằng sau những vụn vỡ, là những nguồn sức mạnh tiềm ẩn, là sự chuyển hóa của những tiềm năng, nhưng lại chỉ có thể được mở khóa bằng tình yêu thương.
Giống như trong nghệ thuật gốm sứ Kintsugi, những mảnh vỡ sẽ được vàng ròng hàn gắn, cũng như cách những tổn thương trong tâm hồn bạn sẽ được chữa lành.
Cosmic Writer
Comments