Các cảnh giới của tâm thức: ý thức, vô thức cá nhân, và vô thức tập thể - By Academy of Ideas
“Loài người đã phát triển nên ý thức một cách chậm chạp và nhọc nhằn, trong một quá trình tiến hóa dài nhiều thế kỷ để đạt đến trạng thái văn minh. Và sự tiến hóa này vẫn đang tiếp diễn mà chưa ngừng lại, vì phần lớn tâm trí con người vẫn còn đang bị bao phủ trong bóng tối“ (Man and His Symbols, Carl Jung).
Những dòng này được viết bởi Carl Jung (1875-1961), một nhà tâm lý học người Thụy Sĩ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn đến một số học thuyết quan trọng nhất của Carl Jung, bao gồm các ý tưởng của ông về ý thức và vô thức của tâm trí, học thuyết về cổ mẫu, và khái niệm về “cá nhân hóa” - quá trình mà ông coi như một con đường dẫn đến sự tự tri (self-knowledge) và tính toàn vẹn (wholeness).
Để có thể nhìn nhận đúng cách những đóng góp to lớn của Jung trong lĩnh vực tâm lý học, chúng ta cần hiểu cách Jung hình thành quan niệm về tâm thức (psyche). Về nguồn gốc, từ “psyche” ban đầu có nghĩa là "linh hồn" hoặc "tinh thần". Nhưng khi chuyển tiếp qua thế kỉ 20, từ “psyche” dần được sử dụng như một khái niệm nói để về "tâm trí" (mind).
Trong tâm lý học Jungian, tâm thức của một người được coi là toàn bộ phần nhân cách của họ. Khái niệm này bao gồm tất cả những suy nghĩ, hành vi, cảm xúc, và giác quan của mỗi cá nhân.
Nhận thức về tâm lý, cách nó hoạt động, và cách một người có thể tạo ra ảnh hưởng đến sự vận hành của nó, là những mối quan tâm hàng đầu đối với Jung. Nói rộng hơn, Jung đã chia tâm thức của con người thành ba thành phần chính: ý thức (consciousness), vô thức cá nhân (personal unconscious), và vô thức tập thể (collective unconscious).
Các cảnh giới khác nhau này của tâm trí không hoàn toàn tách biệt. Thay vào đó, chúng liên tục tương tác theo cách bù trừ lẫn nhau (compensatory). Sự tương hỗ năng động này giữa phần ý thức và vô thức sẽ dẫn đến tiềm năng phát triển và sự chuyển hóa của một cá nhân. Đây là quá trình mà Jung gọi là: “cá nhân hóa” (individuation - hay còn được dịch là “thành toàn tự ngã”).
1. Ý thức (consciousness)
Trước khi phân tích chi tiết hơn về các tầng vô thức, hãy cùng tìm hiểu về ý thức - cõi tâm trí quen thuộc nhất với chúng ta. Cảnh giới ý thức của tâm trí, có thể được hiểu là “vùng nhận biết” (field of awareness) của một người, bao gồm những phần tâm thức mà người đó có thể tự tri giác được.
Nằm ở trung tâm của “vùng nhận biết” này là cái mà Jung gọi là bản ngã (ego). Bản ngã, là phần tính cách chủ quan của một người mà tự họ có thể trực tiếp ý thức được. Hay theo cách nói của Jung:
“Bản ngã là trung tâm của vùng ý thức; nó bao hàm tính cách của chúng ta trên góc độ thực nghiệm (empirical personality), và là chủ thể của mọi hành vi cá nhân có ý thức." (Carl Jung, The Portable Jung)
Bản ngã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Nó hoạt động như một “người canh giữ” (gatekeeper), phần nào quyết định những nội dung gì của trải nghiệm được phản chiếu lên ý thức, và những nội dung nào bị đào thải, dồn nén, hoặc loại bỏ.
Bản ngã, trong vai trò của nó, góp phần quyết định những nội dung được tạo thành trong vô thức cá nhân - cảnh giới tiếp theo của tâm hồn mà chúng ta sẽ soi xét.
2. Vô thức cá nhân (personal unconscious)
“Có những sự kiện nhất định mà chúng ta không tự nhận biết được một cách có ý thức; hay có thể nói, chúng vẫn chỉ ở “dưới ngưỡng” của ý thức. Những sự kiện đó đã diễn ra, nhưng chúng chỉ được tiếp nhận một cách âm thầm và tiềm ẩn”. (Man and His Symbols, Carl Jung)
Những sự kiện được hấp thụ một cách ngầm ẩn này bồi đắp và hình thành nên vô thức cá nhân (hay tiềm thức). Từ “tiềm ẩn” (subliminal) có nghĩa là “dưới ngưỡng” (below the threshold). Vì vậy, có nhiều sự kiện mà bản ngã kìm nén hoặc lờ đi vì những lý do khác nhau. Có thể là do chúng gây ra quá nhiều sự khó chịu, hoặc chỉ đơn giản là bị trôi vào lãng quên, hay bị xem như không đáng để bận tâm.
Nhưng những sự kiện này không biến mất hoàn toàn khỏi tâm trí, mà được lưu giữ ở phần vô thức cá nhân, và do đó sẽ tiếp tục có khả năng ảnh hưởng đến tính cách của một người.
Cần phải nhấn mạnh rằng: cõi vô thức không chỉ đơn thuần là nơi chứa đựng những ký ức bị lãng quên, mà như đã nói tới trước đó, vô thức và ý thức tương tác qua lại lẫn nhau một cách năng động, và cả hai đều đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi cá nhân.
Một cách mà vô thức cá nhân ảnh hưởng đến hành vi của một người, là thông qua sự tác động của những “phức cảm” (complexes). Nhiều người đã quen thuộc với thuật ngữ phức cảm trong tâm lý học. Ví dụ như bác sĩ Sigmund Freud từng rất nổi tiếng với ý tưởng về phức cảm Oedipus. Trong khi Alfred Adler, đồng môn cùng thời với Jung và Freud, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của phức cảm tự ti (inferiority complex).
Jung quan niệm về phức cảm như thể là những nhân cách thứ yếu (sub-personalities), tiềm ẩn khả năng kiểm soát những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người. Hoặc như được giải thích trong cuốn dẫn nhập kinh điển về Jung, “A Primer of Jungian Psychology”:
“Một đặc điểm thú vị và quan trọng của vô thức cá nhân là các nhóm nội dung có thể liên kết với nhau để tạo thành một tập hợp hay một quần thể. Jung gọi đó là những phức cảm. Khi chúng ta nói ai đó có một phức cảm, nghĩa là anh ta đang bận tâm thái quá về một vấn đề, đến mức không thể nghĩ được về điều gì khác. Một phức cảm mãnh liệt sẽ rất dễ bị người ngoài nhận thấy, mặc dù bản thân người đó có thể không tự ý thức được nó” (A Primer of Jungian Psychology).
3a. Vô thức tập thể (collective unconscious)
Freud - người cố vấn của Jung trong giai đoạn đầu sự nghiệp, tin rằng phức cảm của một người được hình thành chủ yếu từ những trải nghiệm đau thương thời thơ ấu.
Tuy nhiên, Jung không hài lòng với cách giải thích này. Sự bất mãn của ông với những lý luận của Freud đã khiến ông khám phá sâu hơn trong tâm thức của con người, để tìm kiếm cội nguồn của những phức cảm. Và ông đã phát hiện ra rằng: gốc rễ thật sự của những phức cảm bắt nguồn từ một tầng sâu hơn và cơ bản hơn cuả vô thức, một cảnh giới mà ông gọi là “vô thức tập thể”.
Khám phá này được thúc đẩy bởi những phân tích sâu rộng của Jung về vô thức của các bệnh nhân, như những giấc mơ và huyễn tưởng của họ, cũng như những nghiên cứu so sánh của ông về tôn giáo và thần thoại.
Jung nhận thấy là: không chỉ có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên về vô thức của những bệnh nhân khác nhau, mà thú vị hơn, còn có những điểm tương đồng kỳ lạ giữa chúng với những mô-típ thần thoại quan trọng, và với biểu tượng tôn giáo của những nền văn minh.
Điều này khiến Jung đề xuất rằng: ngoài các cõi ý thức và vô thức của tâm trí, còn có sự tồn tại của một cảnh giới khác nữa, nhưng chưa được khám phá đến. Jung viết:
“Từ vô thức, nó phát xuất những tầm ảnh hưởng mang tính xác quyết… Những ảnh hưởng này độc lập khỏi các truyền thống văn hóa, đảm bảo rằng tất cả các cá thể đều có những sự tương quan và thậm chí là đồng nhất về trải nghiệm, bao gồm cả những cách nó được thể hiện ra trong suy tưởng. Một trong những bằng chứng chính yếu của điều này, là sự tương đồng gần như phổ quát giữa các mô-típ thần thoại…” (The Archetypes and the Collective Unconscious, Carl Jung).
Ý tưởng của Jung về vô thức tập thể là một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông cho lĩnh vực tâm lý học. Jung đề xuất rằng: bên ngoài vô thức cá nhân - chủ yếu bao gồm các yếu tố được tổng hợp từ kinh nghiệm sống của một người, còn có vô thức tập thể - nơi chứa đựng các yếu tố phổ quát được kế thừa qua nhiều thế hệ:
“Chúng ta cũng có thể tìm thấy trong vô thức những phẩm chất không được thu nạp riêng lẻ mà được kế thừa, ví dụ như những bản năng hay thôi thúc hành động, mà ta không tự ý thức được về động cơ. Trong tầng sâu hơn này, chúng ta tìm thấy các cổ mẫu (archetypes). Bản năng và cổ mẫu cùng nhau hình thành nên “vô thức tập thể”. Tôi gọi chúng là “tập thể”, vì không giống như vô thức cá nhân, nó không được tạo thành từ những nội dung riêng lẻ hay cá biệt, mà là những nội dung mang tính phổ quát và thường xuyên xuất hiện” (The Essential Jung, Carl Jung và Anthony Storr).
3b. Cổ mẫu (archetypes)
Theo Jung, cổ mẫu là những cấu trúc về tinh thần (psychic structures) phổ biến đối với tất cả loài người. Chúng tạo thành những "di sản tâm thức cổ xưa của nhân loại". Các cổ mẫu có thể được miêu tả như các phạm trù về nhận thức, hoặc các khuynh hướng tiền định ảnh hưởng đến cách con người suy nghĩ, thấu cảm, nhận thức, và hành động theo những mô thức nhất định.
Điều quan trọng cần lưu ý rằng: Jung không tin rằng một người có thể trực tiếp nhận biết được một cổ mẫu. Thay vào đó, chúng ta chỉ có thể ghi nhận sự tồn tại của các cổ mẫu bằng cách quan sát các hình ảnh hoặc biểu tượng được chúng biểu hiện ra bên ngoài, như thể là những sản phẩm minh chứng cho sự tồn tại của chúng trong vô thức.
Tuy nhiên, các cổ mẫu không nên bị đánh đồng với những biểu tượng hoặc hình ảnh. Thay vào đó, các cổ mẫu chỉ được biểu hiện thông qua chúng, cùng với nhiều hiện tượng đa dạng khác.
Theo Anthony Stevens, các cổ mẫu sở hữu năng lực khởi xướng, kiểm soát, và điều hòa các đặc điểm hành vi phổ biến và những trải nghiệm điển hình của con người. Do đó, vào những thời điểm phù hợp, các cổ mẫu làm nảy sinh ra những suy nghĩ, hình ảnh, câu chuyện, cảm giác và ý tưởng tương tự nhau ở con người, bất kể giai cấp, tín ngưỡng, chủng tộc, vị trí địa lý hay thời đại lịch sử của họ” (Jung: A Very Short Introduction, Anthony Stevens).
Một số cổ mẫu tiêu biểu mà Jung đã khảo cứu bao gồm người mẹ (the mother), sinh (birth), tử (death), sự tái sinh (rebirth), sức mạnh (power), người hùng (the hero) và đứa trẻ (the child). Tuy nhiên, Jung cũng cho rằng:
“Số lượng của những cổ mẫu cũng nhiều như số lượng những tình huống điển hình trong cuộc sống. Sự lặp đi lặp lại đến vô tận (sau rất nhiều thế hệ) đã khắc sâu những trải nghiệm này vào cấu trúc tâm lý của chúng ta, không chỉ dưới dạng thức của những nội dung hình ảnh (trong suy tưởng), mà ban đầu chúng chỉ tồn tại dưới dạng thức của những bản thể phi nội dung, chỉ đơn thuần là những tiềm năng, có thể hình thành nên một kiểu hình nhất định về nhận thức hay hành động" (The Archetypes and the Collective Unconscious, Carl Jung).
Các cổ mẫu của vô thức tập thể có nền tảng sâu sắc dựa trên thuyết tiến hóa, và Jung coi chúng là những thành phần có tính di truyền của tâm thức. Jung cho rằng: cũng giống như cơ thể của chúng ta chỉ được hình thành nên sau một quá trình chọn lọc tự nhiên lâu dài, tâm thức cũng đã hình thành nên một số những cấu trúc tiền định (predisposition) và những xu hướng bản năng xuyên suốt hành trình tiến hóa cả triệu năm:
“Cơ thể con người được ví như một “bảo tàng” của các cơ quan. Mỗi cơ quan đều có một lịch sử tiến hóa lâu dài đằng sau nó. Và do đó, chúng ta cũng cần phải giả định rằng tâm trí cũng được tổ chức theo phương cách tương tự. Nó không thể là một sản phẩm không có tính lịch sử, hoàn toàn tách biệt so với cơ thể nơi nó được chứa đựng. Khi nói về "tính lịch sử", tôi không có ý nói tới sự thật rằng tâm trí tự xây dựng nên chính nó bằng cách truy khảo về quá khứ, thông qua ngôn ngữ và các truyền thống văn hóa. Tôi đang đề cập đến sự phát triển mang tính sinh học của tâm trí người cổ đại, những tổ tiên xa xưa với tâm hồn vẫn còn nguyên thủy và ban sơ" (Man and His Symbols, Carl Jung).
Các cổ mẫu do đó được tiến hóa và hình thành trong những khoảng thời gian rất dài. Và tuy chúng là phổ quát của cả loài người, nhưng với mỗi cá nhân, các cổ mẫu lại được thể hiện theo những phương cách khác nhau. Nói cách khác, các cổ mẫu tương tác một cách linh động với trải nghiệm của mỗi cá nhân, và điều này hình thành nên một nhân cách riêng biệt và độc nhất.
Jung tin rằng: điều tối quan trọng với mỗi cá nhân là họ phải đối diện và tích hợp (integrate) vô thức của mình. Nếu không làm như vậy, sẽ dẫn đến một tâm thức bị phân mảnh (fragmented):
“Vì lợi ích của sự ổn định tinh thần và thậm chí cả sức khỏe sinh lý, vô thức và ý thức cần phải được kết nối hòa hợp và cùng chuyển động song song. Nếu chúng bị tách rời hoặc “phân ly” (dissociated), sẽ dẫn đến sự xáo trộn về tâm lý” - (Man and His Symbols, Carl Jung).
Theo Jung, việc đối diện với vô thức như vậy là con đường dẫn đến sự tự tri mà ông gọi là quá trình cá nhân hóa (individuation process). Jung nhận xét:
“Tôi sử dụng thuật ngữ “cá nhân hóa” để biểu đạt cho quá trình một người trở thành một “cá thể” về tâm lý (psychological individual). Nghĩa là, một thể thống nhất riêng biệt, không thể bị phân tách - một cá thể vẹn toàn” (Carl Jung).
Quá trình cá nhân hóa sẽ được tìm hiểu chi tiết hơn trong bài tiếp theo. Cùng với đó là một số khái niệm quan trọng khác của tâm lý học Jungian, như mặt nạ (the persona) và một số nguyên mẫu khác như bóng tối (the shadow), tính nam và tính nữ (anima and animus), và cổ mẫu của sự trọn vẹn mà Jung gọi là “tự ngã” (the self).
By Academy of Ideas
Dịch bởi: Thanh Lam
Biên tập: Hà Minh
Cosmic Writer
Comments