Những năm gần đây, mình được nghe nhiều về thuyết đa trí thông minh, về những khái niệm trước đó ít người biết như multi-potentialite (đa tiềm năng), multi-passionate (đa sở thích), hay generalist (tổng quát viên).
Nhìn chung, những khái niệm này cùng miêu tả những người có cho mình nhiều đam mê, nhiều kỹ năng, có hiểu biết và chuyên môn ở nhiều lĩnh vực. Nghe thì cũng ngầu đấy, nhất là khi nhiều người nhận định đây sẽ là xu hướng của tương lai. Nhưng trong suốt nhiều năm, đây cũng chính là vấn đề... khiến mình khốn khổ.
...
Cái khó khăn lớn nhất của một người cái gì cũng muốn làm (và có thể làm ở mức khá trở lên) là... không biết nên làm cái gì. Có quá nhiều đam mê, cũng bị xem là điểm yếu.
Mình có background về thiết kế, học lên thạc sĩ về truyền thông, nhưng lại có ham mê tâm lý và triết học. Bất kể một ngành nghề gì mình lựa chọn đều đi cùng với rủi ro sẽ bỏ lỡ đi những ngành nghề tiềm năng khác. Kết cục là mắc kẹt giữa những ngã rẽ, nhìn quanh thấy đường nào cũng "sáng", nhưng chẳng biết chọn đường nào. Không được phát huy hết những tiềm năng của mình, cũng là một viễn cảnh xót xa.
Các cụ thường nói: "một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Nhìn chung câu châm ngôn này rất đúng ở cái thời mà chuyên môn hóa lao động là cần thiết để đảm bảo tối ưu các quy trình sản xuất. Nhưng với sự thay đổi rất nhanh ở một số nhóm ngành (như truyền thông và công nghệ), cộng với áp lực cạnh tranh ngày càng cao, việc không mở rộng chuyên môn của mình tới các lĩnh vực liên quan, thì mình sẽ phải đối diện nhiều hơn với rủi ro bị đào thải.
Mình nghĩ: ở thời điểm này một nghề cho "chín" không thôi là chưa đủ, nếu có thêm một vài nghề liên quan ở mức "ba-bốn-năm-sáu-bảy-tám", thì đó sẽ là những lợi thế cho mình giữa sự cạnh tranh và chuyển động của thị trường. Khi có tư duy của nhiều chuyên môn, mình có thể liên kết được giữa những chuyên môn ấy và có được những góc nhìn sâu rộng hay những giải pháp đột phá. Mình tạo ra được nhiều giá trị, thì tự bản thân mình... cũng giá trị hơn.
...
Hôm trước, trong một tập podcast mình được làm khách mời, mình được hỏi về lời khuyên dành cho những người trẻ cũng đa tiềm năng, cũng có nhiều mối quan tâm giống mình.
Suy nghĩ của mình là: để tìm ra được một hướng đi phù hợp nhất, một người vẫn cần đủ thời gian và trải nghiệm. Vì không phải là thấy đường rồi mới đi, mà nhiều khi phải đi rồi mới thấy rõ đường. Thậm chí có thể là đi lung tung, đi dò dẫm, cùng lúc đó tích lũy và phát triển kỹ năng chuyên môn của mình.
Nhưng sau tất cả, mình cho rằng chìa khóa quan trọng nhất của hành trình khám phá đó, là xác định được rõ ràng giá trị sống của mình. Khi ấy câu hỏi không còn chỉ là "mình nên chọn cái gì", mà là... "mình sống để làm gì, mình muốn tạo ra giá trị gì, mình cống hiến vì mục đích gì?"
Xác định được sứ mệnh mình theo đuổi, thì khi ấy chuyên môn chỉ là phương tiện để mình hiện thực hóa được sứ mệnh đấy. Càng có nhiều chuyên môn sẽ có càng nhiều phương tiện để tạo ra giá trị.
Lúc ấy mình sẽ "connect the dots": kết nối được những kiến thức và kỹ năng tưởng chừng như rời rạc vào cùng một mục đích có tính thống nhất.
...
Như với mình: mình hướng đến việc tạo ra tầm ảnh hưởng và giá trị về đời sống tinh thần cho người trẻ, và việc sáng tạo nội dung trên kênh The Cosmic Writer, "tình cờ" phát huy được hết những mối quan tâm mình có. Chúng như những mảnh ghép hình mà mình đã mất nhiều thời gian loay hoay thử nghiệm mới lắp được vào nhau.
Túm lại là: khi có quá nhiều đam mê và không biết theo con đường nào, hãy hướng đến việc làm rõ giá trị sống của mình trước.
It might take some time wandering at first but in the end, it's totally worth it.
Things will eventually fall into place and start to make sense.
Hà Minh
Comments