top of page

Sống nhanh, sống chậm, sống cân bằng?

"Sống nhanh" hay "sống chậm", vốn là đề tài được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người trẻ đang mông lung trước ngưỡng cửa trưởng thành. Để tìm được cảm giác an toàn giữa những ngã rẽ cuộc đời, chúng ta có xu hướng phân định những thước đo nhanh-chậm mang tính rạch ròi, để buộc mình vào trong những khuôn mẫu mà bản thân cho là đúng. Vậy nhưng, việc áp mình vào một lối sống nhanh-chậm nào đó một cách cứng nhắc, sẽ dễ khiến chúng ta đi vào thiên kiến cá nhân, bám vào một vài khía cạnh mà mất kết nối với nhiều khía cạnh khác. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Eakman (2016), cuộc đời trở nên mất cân bằng khi việc đáp ứng các nhu cầu tâm lý cơ bản bị cản trở trong những hoạt động hàng ngày, từ đó gây hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Vậy nên, để có thể sống thật trọn vẹn, chúng ta cần phải tìm được cho mình sự cân bằng. Nhưng làm sao để chúng ta có thể sống được cân bằng giữa một cuộc đời đầy “hỗn loạn”? ... Vào những năm 1960, học giả Paul J. Meyer lần đầu giới thiệu một khái niệm được gọi là "bánh xe cuộc đời" (wheel of life). Công cụ này giúp chúng ta tham chiếu và đánh giá các khía cạnh trong cuộc sống của mình, để từ đó tìm được sự cân bằng và tiến đến một cuộc đời trọn vẹn. Được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực khai vấn (coaching), giả thuyết này hình dung cuộc sống của bạn là một bánh xe, được lăn trên hành trình cuộc đời với 8 nan xe, tượng trưng cho 8 lĩnh vực: 1. Tài chính - 2. Sức khỏe - 3. Phát triển bản thân - 4. Mối quan hệ - 5. Sự nghiệp - 6. Môi trường sống - 7. Tinh thần - 8. Đóng góp xã hội. Cụ thể, mỗi khía cạnh (nan xe) trong sơ đồ này sẽ được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 10, tương ứng với mức độ hài lòng của bạn về khía cạnh đó ở hiện tại. Thông thường, bánh xe sẽ gập ghềnh dựa vào điểm số khác nhau ở từng khía cạnh. Bánh xe cuộc đời không phải lúc nào cũng có dáng hình giống nhau. Chúng khác biệt với từng người và thay đổi ở từng thời điểm, tùy theo những biến chuyển trong cuộc sống. Ví dụ như khi còn ở đầu ngưỡng 20, mối bận tâm lớn nhất đối với bạn thường là phát triển bản thân, sự nghiệp, và các mối quan hệ. Nhưng khi đến độ tứ tuần, thứ bạn quan tâm nhất có thể là sức khỏe, tài chính, hoặc môi trường sống. Vẽ ra bánh xe cuộc đời cho chúng ta một cái nhìn tổng quan, giúp xác định những khía cạnh quan trọng mà bạn cần chú ý đến, đồng thời hạn chế những việc không phải là ưu tiên. Nhờ quan sát bánh xe cuộc đời, ta cũng biết được lúc nào cần chủ động “sống nhanh” để học hỏi và phát triển, lúc nào nên "sống chậm" để nhìn nhận lại về bản thân và thế giới. Nhờ vậy, chúng ta không vì áp lực phải "sống nhanh" mà lao đầu vào công việc, đua theo những hơn thua về thành công và hiệu suất, để rồi bỏ mặc sức khỏe đang dần bị bào mòn. Hay việc người ta viện cớ “sống chậm” để nuông chiều bản thân trong những tiêu khiển hời hợt và vô nghĩa, để rồi trì hoãn việc cần làm khiến chất lượng cuộc sống sụt giảm. ... Vậy nên, để biết khi nào cần "tăng tốc", khi nào cần "giảm ga", hãy nhìn xem chiếc bánh xe cuộc đời bạn đang tròn hay méo. Việc bạn di chuyển trơn tru hay té “sấp mặt” trên đường đời, thì đều do chính bạn quyết định. Thời gian là vô ngàn nhưng đời người là hữu hạn. Cái chúng ta mong muốn có được: tiền bạc, danh vọng, hay tình yêu... thực chất cũng là vì mưu cầu, khát khao được hạnh phúc. Học cách cân bằng, sống trọn vẹn từng giây phút trôi qua mới chính là cách để sống một cuộc đời đúng nghĩa, hạnh phúc và đắm say. “Chúng ta chỉ sống một lần, nhưng nếu sống đúng, thì một lần là đủ.” – Mae West By Trà Giang & Cosmic Writer




Comments


bottom of page