Sống ở hiện tại có phải là không suy nghĩ gì?
Hôm qua có bạn comment hỏi tôi như vậy trên podcast, nên tôi muốn chia sẻ một chút để làm rõ một hiểu lầm thường gặp xung quanh khái niệm này.
Trên thực tế, chúng ta không thể loại bỏ được suy nghĩ (thoughts) ra khỏi tâm trí. Suy nghĩ là một trong số những chức năng cơ bản và đặc trưng của nhận thức, được lập trình một cách có hệ thống vào não bộ bằng ngôn ngữ, khiến cho tâm trí con người ưu việt hơn so với tâm trí của những giống loài khác.
Với những người thực hành thiền tập, suy nghĩ có thể được loại bỏ (hay làm tĩnh lặng) trong một khoảnh khắc nào đó, hay trong một điều kiện nhất định. Tuy vậy, việc có thể sống mà hoàn toàn loại bỏ đi suy nghĩ là phi thực tế, phi lợi ích, và hoàn toàn không phải là mục đích của thiền tập hay của việc thực hành sống trong hiện tại.
Vậy khi thực hành thiền chánh niệm (mindfulness meditation), ta cứ cố gắng giữ cho tâm trí trống rỗng để làm gì?
Câu trả lời có thể được hiểu như sau: việc giữ cho tâm trí tĩnh lặng khỏi sự xáo động của những suy nghĩ, là một dạng bài tập (exercise) để giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng tự quan sát tâm trí mình, nhận biết sự hiện diện của những suy nghĩ và những tính chất của nó, chứ không phải là lời khẳng định rằng suy nghĩ là không tốt và cần phải được loại bỏ.
Cũng giống như việc nâng tạ, mục đích của nó là rèn luyện để cho cơ bắp chắc khoẻ, chứ không phải là vì bản thân chiếc tạ cần phải được nâng.
Việc sống trong hiện tại, về cơ bản, là sống trong chánh niệm (mindful living), trong sự nhận thức rõ ràng, trọn vẹn, và không phán xét những gì đang diễn ra bên trong mình và xung quanh mình.
Nhờ sự “tỉnh thức” này, mà ta sẽ không còn “lắng nghe” suy nghĩ một cách thụ động, mà có thể quản lý những suy nghĩ ấy một cách có chủ đích, không bị kiểm soát bởi những suy nghĩ độc hại, tiêu cực. Ta có thể nhận biết suy nghĩ nào là cần thiết/không cần thiết, biết lúc nào cần suy nghĩ, lúc nào không, và tự ý thức được những khi suy nghĩ bị quá tải (overthinking).
Việc thực hành chánh niệm thậm chí còn có thể giúp bạn tái cấu trúc lại mạng lưới tư duy, giúp bạn tự “lập trình” lại tâm trí với những suy nghĩ mới, nhưng đây có lẽ là câu chuyện của một ngày khác.
Để lấy ví dụ: khi bạn sắp có một buổi thuyết trình, bạn có thể quá lo lắng về sự chuẩn bị của mình, về cách bạn thể hiện trước đám đông, về phản hồi của người khác, hay về kết quả của bài thuyết trình đó… Tất cả những lo lắng này khiến cho tâm trạng của bạn bị ảnh hưởng, và thậm chí có thể trực tiếp hay gián tiếp tác động một cách tiêu cực lên bài thuyết trình của bạn. Đây chính là khi suy nghĩ “quá liều” có thể trở nên thừa thãi và phản tác dụng, và cũng là khi thực hành chánh niệm có thể giải thoát bạn khỏi nỗi lo âu.
Một ví dụ khác về việc suy nghĩ có chủ đích, có thể kể đến như khi bạn đang làm bài thi (hay bất kì một công việc gì khác cần sự tập trung cao độ). Vào những thời điểm như vậy, việc bị xao nhãng bởi bất kì suy nghĩ nào đó không liên quan như thời tiết hôm nay thế nào, lát nữa mình muốn ăn gì, hay hôm qua ba mẹ nói sao… đều có thể khiến cho dòng chảy của công việc bị đứt gãy, và ảnh hưởng đến chất lượng hay tính hiệu quả của công việc ấy. Lúc này, chánh niệm có thể giúp bạn nhanh chóng nhận diện những suy nghĩ gây xao nhãng, và điều hướng để tâm trí quay trở lại với những suy nghĩ quan trọng, thiết thực hơn ở khoảnh khắc hiện tại.
Nói tóm lại, suy nghĩ tự bản thân nó không “tốt”, mà cũng không “xấu”. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: ví dụ như mình suy nghĩ những gì, vào thời điểm nào, hay tầm ảnh hưởng của những suy nghĩ đó ra sao... Nếu như được vận dụng đúng cách, suy nghĩ có thể đóng vai trò quan trọng, phục vụ cho những mục đích có giá trị, nhưng đồng thời cũng có thể trở nên tiêu cực khi bị lạm dụng không đúng lúc.
Vậy nên, sống trong hiện tại, không phải là để không suy nghĩ gì, mà chỉ đơn giản là để nhận biết được mình đang suy nghĩ những gì, và nhờ đó, được tự do khỏi nó.
Cosmic Writer
תגובות