top of page

Sự "khổ": những khát vọng không được thỏa lấp

Đức Phật nói: "đời là bể khổ".


Kể từ ngày vô tình đọc được câu nói này trong một cuốn sách mỏng trên kệ sách của bố mẹ, nó đã không ngừng ám ảnh tôi trong suốt tuổi thơ.


Nếu đời thật là khổ đến thế, thì chúng ta sống để làm gì, còn đưa thêm những sinh linh mới đến với cuộc đời này làm gì?


2 chục năm sau ngày đó, tôi đã đọc thêm nhiều, trải nghiệm nhiều, và hiểu hơn nhiều. Và quả thật, đời người, ai cũng đều có những nỗi khổ riêng: người sang "khổ" theo kiểu người sang, người hèn "khổ" theo kiểu người hèn. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều bình đẳng ở điểm ấy.


Nhận thức được sự thật chẳng mấy dễ chịu như vậy, thực chất lại là bước đầu để được giải thoát khỏi nó. Như tác giả Mark Manson có viết: “Việc chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực (tự bản thân nó) là một trải nghiệm tích cực”.


 

Chữ "khổ" của Phật, (hay "dukkha"), có thể được hiểu là sự kém thỏa mãn, hay sự thiếu trọn vẹn (unsatisfactoriness) trong khoảnh khắc hiện tại.


Theo Robert Wright (tác giả cuốn "Why Buddhism is True"), sự "kém thỏa mãn" này phát sinh từ việc chúng ta khao khát muốn đạt được một trạng thái "thỏa mãn hơn" mà ngay lúc này đây ta không thể, hoặc chưa thể có. Hiện tại khi ấy bị chối bỏ, bị xem là thấp kém hơn với viễn cảnh ta đã vẽ ra trong tâm trí.


Sự thèm khát ấy Phật gọi là "ái" (hay "tanha"). Đó là những ham muốn, những tham vọng... mà khi đạt được sẽ giải phóng trong não bộ của chúng ta chất dẫn truyền thần kinh dopamine, khiến chúng ta cảm thấy thỏa nguyện, vui sướng... nhưng chỉ trong thoáng chốc, trước khi ta lại tiếp tục với những thèm khát mới. Mọi thứ cứ thế tiếp diễn như trong một vòng lặp vô tận.


Và do đó, chúng ta như những chú chuột hamster chạy lòng vòng trong một bánh xe, liên tục theo đuổi một thứ gì đó trước mắt có thể nhất thời lấp đầy được sự thiếu hụt bên trong mình. Giới tâm lý học gọi hiện tượng này là "hedonic treadmill" (hay "máy chạy bộ khoái lạc").


Tuy nhiên, việc có thể hoàn toàn buông bỏ được những ham muốn (như Phật gọi là "diệt đế"), trên thực tiễn gần như là bất khả, (ngoại trừ một số ít dám đi theo con đường tu hành, và càng ít hơn thật sự đạt được giác ngộ).


Thực chất, những khao khát như vậy được "lập trình" từ trong bản thể sinh học của chúng ta sau gần 4 tỷ năm của chọn lọc tự nhiên. Nếu như thức ăn và tình dục không mang lại "phần thưởng" là sự thỏa mãn, có lẽ tổ tiên của loài người đã không có đủ động lực để sinh tồn và duy trì được sự sống cho đến ngày chúng ta ra đời.


 

Vậy ta phải sống thế nào với những nỗi khổ, những khát vọng không được thỏa lấp?


Từ quan điểm cá nhân, theo tôi có 2 giải pháp mà chúng ta có thể song song triển khai:


Một là: khi chúng ta học cách để sống thật trọn vẹn trong chánh niệm (sati), những ham muốn khi ấy chẳng còn làm mình kiệt quệ. Càng nhận thức được rõ ràng và trân trọng những gì mình đang có, sự bình an sẽ dần được tìm thấy ở ngay hiện tại, chứ chẳng còn phải được "treo thưởng" ở một trạng thái tương lai nào đó xa vời.


Những bài thiền chánh niệm, hoặc thực hành lòng biết ơn... chính là những giải pháp lâu dài giúp chúng ta rèn luyện việc hướng sự chú ý của mình trở về hiện tại, và trân trọng nhiều hơn những gì mình đang có.


Hai là: khi chúng ta thừa nhận sự "khổ" là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống, hãy tự hỏi mình rằng chúng ta sẵn sàng "khổ" vì điều gì? Nỗi khổ không đáng sợ, mà nỗi khổ sai lầm, vô nghĩa mới đáng sợ. Khi ta có cho mình những mục đích quan trọng, cần thiết, xứng đáng, và thiết thực... thì dù khổ, ta vẫn có những trải nghiệm sống nhiều ý nghĩa.


Để làm được việc này, ta cần phải kiến thiết cho mình giá trị sống rõ ràng, biết điều gì nên theo đuổi, điều gì không. Khi ấy, ta nhận thức được và sẵn sàng từ bỏ những ham muốn thừa thãi, độc hại. Bên cạnh đó, hãy áp dụng triết lý của người Khắc Kỷ: đừng bận tâm với những thứ mà ta không có khả năng kiểm soát.


 

Sinh ra là một con người, bạn và tôi đều có những nỗi khổ riêng. Có thể nói, chúng là một phần gia vị không thể thiếu của trải nghiệm sống.


Nhưng sự thật ấy không nắm quyền quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta, mà nó phụ thuộc vào cách ta đối diện với những nỗi khổ ấy thế nào: sẽ chối bỏ nó để rồi trở thành nạn nhân, hay sẵn sàng thừa nhận nó để được giải thoát?


Và khi ta biết trân trọng những gì mình có ở ngay hiện tại, biết cống hiến thời gian cho những gì xứng đáng, thì khi ấy: dù có khổ, đời vẫn vui.


Cosmic Writer


1 comentário


Membro desconhecido
25 de nov. de 2022

Trước đây em luôn sống một cách thụ động. Cố gắng cư xử , biểu hiện tốt và hi vọng rằng: "Ở hiền thì gặp lành". Nhưng khi phải đối mặt với những khó khăn, em cảm thấy kiệt quệ. Tự hỏi rất nhiều lần là tại sao mình cứ cảm thấy khó khăn hoài. Rốt cuộc thì sai ở đâu?. Đọc bài viết của anh em đã nhớ lại những trải nghiệm quá khứ của mình và nhận ra là: Bởi vì em muốn phát triển nên khó khăn xuất hiện là điều tất yếu. Nhưng vì chính em không rõ rằng về cái mình muốn, rồi thì muốn rất nhiều thứ nên khó khăn liên tiếp ập đến…

Curtir
bottom of page