Ngày trước, tôi từng có ý nghĩ "ngây thơ" rằng: thế giới quan của mình thật đúng, rằng tôi có thể thấy được "sự thật" trong cuộc sống xung quanh mình.
Thế nhưng càng lớn, càng tiếp xúc với nhiều người, tôi mới dần nhận ra: có những thứ mình thấy là "sự thật", thực ra chỉ là một góc nhìn trong vô số những góc nhìn khác.
Trải nghiệm đi du học cũng cho tôi cơ hội được tiếp xúc với những người bạn đến từ các quốc gia khác, nền văn hóa khác, tôn giáo khác... Mỗi người đều nhìn nhận và diễn giải thế giới qua một lăng kính riêng, và không dễ để nhận định lăng kính nào là khách quan hơn lăng kính nào.
Có lẽ do đó, mà thời còn đi học, môn ngữ văn chỉ có điểm cao nhất là 9 cho những bài viết có góc nhìn thú vị, sâu sắc, hay ấn tượng. Điểm 10 tuyệt đối gần như là không thể có.
Trong những bộ môn khoa học xã hội (như tâm lý học) cũng vậy. Như trong khóa Essential Psychology, tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã chỉ ra: có ít nhất 7 nhóm quan điểm khác nhau để miêu tả và giải thích hành vi của con người.
Mỗi quan điểm đều có một cách nhìn nhận riêng, một hướng tiếp cận riêng, thậm chí đôi khi là trái ngược. Để lấy ví dụ:
Quan điểm tâm động học (psychodynamic) cho rằng hành vi là biểu hiện của những xung đột nội tâm. Trong khi đó, quan điểm hành vi học (behaviourism) lại cho rằng hành vi được quyết định bởi các tác nhân kích thích từ môi trường.
Hay như bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang có nhận định: một bên chú trọng thế giới bên trong, thu hút những ai có tâm hồn văn chương mơ mộng, một bên chú trọng thế giới bên ngoài, hấp dẫn những người yêu thích sự rõ ràng minh bạch.
Bên cạnh đó, trên tiến trình phát triển của tâm lý học, còn có những quan điểm khác được hình thành, như: nhân bản (humanistic), nhận thức (cognitive), tiến hóa (evolutionary), sinh học (biological), hay văn hóa xã hội (sociocultural).
Từ vị trí của một người học, tôi nhận thấy quan điểm nào cũng có giá trị riêng. Đặt mình vào những điểm nhìn ấy, tôi lại càng hiểu sâu hơn về tâm lý con người - một cái hiểu đan xen từ nhiều góc độ.
Những "sự thật" về con người, về cuộc sống... có lẽ luôn là đa chiều, đa diện, và không thể mãi bị "chết cứng" trong một hệ thống quan niệm nào đó cố định. Trong tương lai, biết đâu còn có nhiều quan niệm khác sẽ được con người khám phá?
Vậy nên chung quy lại: để không bị mãi hạn chế trong góc nhìn chủ quan của mình, tôi cho rằng chúng ta phải có cho mình một tâm thế sẵn sàng lắng nghe, học hỏi, và thách thức những quan niệm cố hữu của bản thân.
Những quan điểm xem chừng trái ngược, có khi lại bù đắp, bổ trợ lẫn nhau, hoặc tạo thành tiền đề cho nhũng quan điểm mới.
Và chỉ khi ta có sự cởi mở để nhìn nhận vấn đề qua những lăng kính khác nhau như vậy, "sự thật" khi ấy mới dần hiện rõ.
Cosmic Writer
Opmerkingen