top of page

Sự thật về hướng nội - hướng ngoại

Khái niệm hướng nội (introversion) và hướng ngoại (extroversion), ngày nay thường được hiểu một cách định kiến là sự rụt rè, nhút nhát và sự bạo dạn, hoạt ngôn.


Cách hiểu này làm đơn giản hóa các khái niệm, nhưng cũng đi cùng với rủi ro tạo ra những hiểu lầm cơ bản.

Trong học thuyết tâm lý của Carl Jung - người đầu tiên đặt ra định nghĩa về hai khái niệm này vào khoảng 1 thế kỷ trước, thì "hướng nội" và "hướng ngoại" là hai chiều hướng đối nghịch của thứ mà Jung gọi là "năng lượng tâm thức" (psychic energy). Khái niệm này có thể được hiểu là nguồn năng lượng thúc đẩy hành vi của con người, được lấy cảm hứng từ quan niệm “dục năng” (libido) của Sigmund Freud, và quan niệm “ý chí” (the Will) của Arthur Schopenhauer.

Đối với Jung, giả định như thực tại này có thể được chia làm hai nửa: thực tại chủ quan (subjective) và thực tại khách quan (objective).

Trong đó, sự đối nghịch giữa hướng nội-hướng ngoại nằm ở mối liên hệ giữa chủ thể (subject) và khách thể (object), tức mối liên hệ giữa những diễn biến nội tâm với những đối tượng bên ngoài.


Trong kinh điển "Psychological Types" (1921), Jung giải thích như sau:

I. Hướng ngoại

Tính hướng ngoại đặt trọng tâm nhiều hơn vào thế giới khách quan.


Một người trong trạng thái tinh thần hướng ngoại, sẽ có mối liên hệ tích cực với những đối tượng bên ngoài. Họ có xu hướng suy nghĩ, cảm nhận, và hành động bằng cách trực tiếp phản ứng lại với những đòi hỏi từ hoàn cảnh, lan truyền chính mình tới môi trường xung quanh.


Người hướng ngoại, đương nhiên cũng có đời sống nội tâm riêng, cũng cần có thời gian cho bản thân mình. Nhưng với họ, giá trị khách quan là quan trọng hơn cả. Thậm chí, họ cho phép những điều kiện bên ngoài ảnh hưởng đến những phản ứng bên trong, cho phép ngoại cảnh chi phối quan niệm sống của họ.


Nói cách khác, sự chú ý, thời gian, và năng lượng của họ thường lan tỏa ra ngoài.


II. Hướng nội


Mặt khác, trong trạng thái tinh thần hướng nội, năng lượng của một người sẽ chủ yếu hướng vào trong.


Trái với những hiểu lầm thường gặp, người hướng nội vẫn có thể hướng ra ngoài, vẫn có nhu cầu hòa nhập và kết nối. Tuy vậy, những điều kiện bên ngoài thường chỉ đóng vai trò thứ cấp trong thế giới quan của họ. Mối liên hệ giữa họ và đối tượng bên ngoài bị cản trở bởi những cảm nhận và đánh giá chủ quan, phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận và diễn giải đối tượng ấy thế nào.


Nói cách khác, tư duy và hành động của họ phần lớn được điều hướng và quyết định bởi những diễn biến nội tâm mang tính cá nhân. Sự chú ý và thời gian của họ tập trung ngược trở về chủ thể, tạo nên cho họ một thái độ xa cách và tách biệt với thế giới.


Xu hướng này giúp họ phòng vệ khỏi tầm ảnh hưởng của ngoại cảnh, giúp bảo trì năng lượng cho chủ thể.



Từ định nghĩa trên, có thể thấy: "hướng nội" và "hướng ngoại" thực chất chỉ là những thái độ (attitude), hay trạng thái tinh thần của một người, miêu tả "dòng chảy" của năng lượng tâm thức được lan tỏa ra ngoài, hay ngược trở vào trong.


Tùy thuộc thiên hướng nào thường chiếm ưu thế, mà có thể gọi một người thuộc kiểu hình tâm lý “hướng nội” hoặc “hướng ngoại”. Với bản chất là cơ chế thích nghi, thiên hướng này hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian và môi trường sống.

Và như Jung có khẳng định: “không có ai là hướng nội hay hướng ngoại thuần túy”. Trong tâm thức của mỗi người luôn tồn tại cả hai xu hướng này. Theo quy luật bù trừ, một người hướng nội vẫn sẽ có những năng lượng hướng ngoại (và ngược lại), cho dù thiên hướng trái ngược ấy thường bị dồn nén trong vô thức.

Điều này lý giải tại sao những người hướng nội vẫn sẽ có nhu cầu giao lưu, vui chơi, hoạt ngôn trong một số trường hợp. Còn những người hướng ngoại vẫn có thể thích ở một mình, hoặc chán ghét những tương tác xã hội một khi cạn năng lượng.


Việc ý thức được những xu hướng trái ngược này và học cách cân bằng chúng là hết sức cần thiết. Jung cho rằng sự phân cực thái quá (tức một bên quá thống trị, một bên quá kìm nén), sẽ dẫn đến sự bất ổn về tâm lý, và thậm chí là những hệ quả xấu hơn.

Ảnh hưởng bởi triết học Lão Tử và Heraclitus, Carl Jung gợi ý rằng: mỗi người chúng ta đều nên hướng đến một sự đồng điệu của những thái cực đối lập. Chỉ nhờ việc tích hợp cùng nhau - như hai mặt tương phản của cùng một thể thống nhất, mà một người mới đạt đến trạng thái trọn vẹn của tâm hồn.


Nói tóm lại, “hướng nội” hay “hướng ngoại”, đều chỉ là tương đối, nhất thời, và một mặt của vấn đề. Một người hướng nội, vẫn có những khía cạnh hướng ngoại của riêng mình. Người hướng ngoại cũng vậy, có đôi khi tự thấy mình nghiêng về hướng nội nhiều hơn.

Tôi nghĩ, hai khái niệm này có thể được sử dụng để lý giải thái độ (hoặc thiên hướng) của một người trong một hoàn cảnh nhất định. Nhưng nên thận trọng khi lấy chúng làm nhãn dán mà tự gán vào mình, nhất là để biện hộ cho những thiếu sót mà chúng ta đang lảng tránh.

Vì đời sống nội tâm của con người là quá trừu tượng, đa dạng, và linh hoạt, để có thể dễ dàng được đóng khung trong một khái niệm giản đơn bất biến.

Dù là hướng nội hay hướng ngoại, quan trọng nhất vẫn là hướng đến một sự phát triển lành mạnh, tỉnh thức, và cân bằng.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page