Đã bao giờ bạn tự hỏi trực giác là gì?
Đây thực chất không phải là "giác quan thứ sáu" theo nghĩa ngoại cảm, tâm linh, hay thứ gì đó huyền bí cao siêu.
Trong góc nhìn của tâm lý học, trực giác thực chất là một hoạt động của tâm trí, dựa trên khả năng nhận biết các "patterns" (khuôn mẫu, vòng lặp, motif...) từ những kinh nghiệm đã trải qua, những gì từng quan sát thấy...
Những patterns này ăn sâu vào tâm trí của bạn đến độ có thể vô thức vận dụng nó để xâu chuỗi và dự đoán những viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai.
Có thể lấy ví dụ như việc người nguyên thủy nhận biết loại nấm nào có độc từ hình dáng, màu sắc của chúng, việc nhận biết một người lạ nào đó có thể là nhân viên tiếp thị khi họ niềm nở tiếp cận bạn trong trung tâm thương mại, cho tới việc "linh cảm" rằng thị trường chứng khoán có thể sẽ diễn biến xấu trong tuần tới.
Trực giác có hai đặc điểm cần nhấn mạnh:
1. Trực giác không giống với tư duy lý tính. Tư duy (thinking) là khi tâm trí chủ động móc nối các dữ kiện vào nhau một cách (dường như là) mạch lạc. Trong khi đó trực giác thường rất nhanh tự đi đến kết luận một cách phi lí trí (irrational), mà khó có thể lý giải tại sao. Sự khác biệt giữa hai phương pháp xử lý thông tin này được miêu tả kỹ lưỡng trong cuốn "thinking fast and slow" của Daniel Kahneman.
2. Hoạt động của trực giác thường diễn ra một cách vô thức. Việc này có nghĩa, bạn không ý thức hoặc làm chủ được việc trực giác nhắn nhủ gì tới bạn. Nó nằm ngoài phạm vi nhận biết của ý thức và dường như diễn ra một cách tự động, bản năng, như thể là "lời tổ tiên mách bảo".
Vì những đặc điểm trên mà trực giác cũng thường được gọi là "gut feeling" (linh cảm). "Gut feeling" không biết nói dối. Bạn chỉ có thể cảm thấy nó hoặc không. Nhưng đôi khi nó cũng có thể sai.
Trong nỗ lực tìm ra những xu hướng tính cách "kiểu mẫu", Carl Jung nhận thấy có hai dạng trực giác chính: trực giác hướng nội (Ni: introverted intuition) và trực giác hướng ngoại (Ne: extroverted intuition).
Sự khác biệt giữa hai hình thức trực giác này có thể tóm gọn trong sự đối nghịch giữa hướng nội và hướng ngoại:
1. Hướng ngoại có xu hướng hướng ra thế giới bên ngoài, hướng tới những đối tượng khách quan, mang tính mở rộng, đa chiều, phổ quát.
2. Hướng nội có xu hướng hướng vào thế giới bên trong, hướng tới những đối tượng chủ quan, mang tính giản lược, nhất quán, có chiều sâu.
Vì lý do này mà Ne (trực giác hướng ngoại) của các type ENxP đóng vai trò là nguồn sáng tạo bất tận, vì nó thể liên tục tái kết hợp những dữ kiện sẵn có để nhào nặn nên những pattern mới, nhận biết những khả năng, cơ hội mới. Nó mang tính mở rộng, khám phá, và phần nào đó hỗn loạn, khó đoán. Jung gọi đây là quá trình "tạo hình" đối tượng.
Ví dụ như khi có một khay thịt bò, Ne sẽ có thể tưởng tượng ra trong đầu 7749 những món khác nhau để chế biến.
Trong khi đó hoạt động của Ni (trực giác hướng nội) của các type INxJ có vẻ gì đó gần hơn với khả năng tiên tri và dự đoán. Nó rút ra từ quan sát và trải nghiệm những pattern mà nó cho là "chân lý" (tức đúng ở mọi nơi, mọi lúc, bản chất gốc rễ của vấn đề), từ đó kết nối những diễn biến của quá khứ-hiện tại với những pattern ấy để phỏng đoán tương lai.
Ví dụ như việc Ni có thể dự đoán được phản ứng của người thân trong một tình huống nhất định, dựa trên những pattern về tính cách và hành vi của người đó mà Ni đã tự mình rút ra. Vì lý do này mà trực giác hướng nội trong góc nhìn của Jung gần giống với quan niệm về trực giác ngày nay hơn.
Nhìn chung, cả hai hình thức của trực giác này đều diễn ra trong vô thức. Mặc dù chúng đều có thể được kích hoạt hoặc tác động bởi những trải nghiệm từ môi trường bên ngoài, những tín hiệu của trực giác tồn tại một cách độc lập với thực tại vật lý.
Do đó một người quá ưu tiên trực giác có thể sẽ liên tục chạy theo những viễn cảnh quá viển vông (Ne), hoặc mắc kẹt trong những suy diễn chủ quan xa rời thực tế (Ni). Khi ấy, người đó sẽ mất kết nối với thực tại.
Vậy nên, để trực giác có thể phát triển một cách lành mạnh (theo nghĩa có thể mang lại những giá trị thực tiễn trong cuộc sống), một người rất cần phải cân bằng nó với những trải nghiệm của thế giới "thật", (tức những thông tin thực tế có thể được tiếp nhận thông qua các giác quan).
Những ý tưởng của trực giác hướng ngoại, khi được đặt trong giới hạn khả dĩ của thế giới thật, sẽ không quá bay bổng phi thực tế mà có tính ứng dụng cao hơn. Tương tự vậy, "chân lý" của trực giác hướng nội cũng sẽ được tinh chỉnh và mài sắc khi nó thấy được nhiều hơn cách thế giới thật vận hành.
Sự xa rời thực tế của trực giác chắc có lẽ sẽ chỉ phát huy sức mạnh trong môi trường nghệ thuật, khi một người nghệ sĩ cần phải "điên" hết mức để tạo điểm nhấn cho sản phẩm của họ. Tuy nhiên đây chỉ là những trường hợp ngoại lệ, nên tôi không bàn tới.
Cosmic Writer
Comments