top of page

4 bước để hoàn toàn thay đổi cuộc sống sau 1 năm

Đừng đánh giá thấp sự thay đổi bạn có thể tạo ra cho mình chỉ trong vòng 1 năm.


Kết luận này không phải chỉ mang tính truyền động lực, nó là một sự thật mình đã quan sát thấy từ những gì mình trải qua.


Mấy tháng trước, mình cũng có nhìn lại hành trình của bản thân trong suốt 10 năm. Đã có những năm mình không những không có sự phát triển gì, mà còn bị tụt lại ở nhiều mặt. Và ngược lại, cũng có những năm, mình đã tạo ra sự thay đổi bứt phá. Chẳng hạn như năm 2018 hay năm 2023.


Sau khi tự chiêm nghiệm lại, mình muốn chia sẻ với mọi người một số những việc bạn có thể làm, để tạo ra cho mình sự phát triển tích cực chỉ sau 1 năm. Nếu như bạn đã có sẵn động lực, đã có sẵn quyết tâm rồi, mình hy vọng, đây sẽ là một tấm bản đồ dành cho bạn. Một lộ trình 1-2-3-4 được hệ thống để bạn có một năm khởi sắc.


Và cho dù bạn đọc bài viết này vào thời điểm nào trong năm đi nữa, đầu năm, giữa năm, cuối năm… đều được. Chỉ cần bạn sẵn sàng để thay đổi, sẵn sàng cho một khởi đầu mới, một hành trình mới… mình tin là qua đây, bạn sẽ biết mình cần phải làm gì.


Chúng mình cùng bắt đầu nhé!



Bước 1: định vị bản thân


Nếu như bạn mở ứng dụng Google maps ở trên điện thoại, và tra đường để đến một nơi nào đó bạn mong muốn, nó sẽ cần phải có đủ thông tin đầu vào, để tính toán được con đường cho bạn. Một là bạn đang ở đâu, và hai là bạn muốn đi đến đâu.


Đầu tiên, trước khi chúng ta có thể đưa ra bất kì một giải pháp thực tiễn nào, chúng ta cần phải biết là mình đang ở đâu. Nó yêu cầu chúng ta phải định vị.


Định vị ở đây nghĩa là chúng ta phải có một cái nhìn, một đánh giá mang tính toàn diện và khách quan về hiện trạng cuộc sống của mình. Một sự tự nhận thức, sự thấu hiểu về bản thân, sự sáng tỏ về việc mình là ai, mình có những điểm mạnh điểm yếu thế nào, và có những giá trị sống cốt lõi ra làm sao.


Việc hiểu biết về chính mình ở hiện tại như vậy là cực kì quan trọng. Thậm chí là gốc rễ của tất cả những bước sau. Và nó thật sự không hề trừu tượng.

                                                                                                                                

Nó chỉ đơn giản như sau:


Nếu như bạn đang muốn tạo ra cho bản thân sự thay đổi trong cuộc sống, hãy thử tự nhìn nhận xem, là điều gì đang thôi thúc bạn. Cái mong muốn đó bắt nguồn từ đâu.


Cụ thể hơn là có điều gì ở bản thân, hay ở cuộc sống của mình khiến bạn cảm thấy muốn thay đổi, muốn được trở nên tốt hơn? Vấn đề bạn đang muốn giải quyết là gì? Là vấn đề về ngoại hình, về cảm xúc, về mindset, về thói quen sống, hay về kỹ năng, về thu nhập, về sức ảnh hưởng?


Nếu như còn chưa gọi tên được vấn đề của mình, mọi giải pháp đều là vô nghĩa. Giống như là việc để kê đơn thuốc, phải qua một bước khám bệnh và chẩn đoán, chứ không thể tự nhiên uống thuốc của người khác được.


Lời khuyên của mình, đó là hãy thử ngồi xuống, và tự nhìn lại bản thân. Có sự phản tư, trung thực và dũng cảm nhìn lại những sự bất ổn của mình, và thừa nhận nó bằng một sự chân thành và bao dung.


Có thể là thông qua các công cụ tâm lý như các bài trắc nghiệm, bảng phân tích SWOT… hoặc thông qua việc viết journaling, viết chiêm nghiệm… để diễn đạt những vấn đề của mình ra thành từ ngữ. 


Bản thân mình đã từng áp dụng phương pháp này từ khoảng hơn 5 năm trước, và nó đã giúp mình vượt qua một giai đoạn rất khó khăn.


Đây cũng là động lực để mình hệ thống và thiết kế lại trải nghiệm này trong khoá học Know Thyself, để hướng dẫn người học có sự chiêm nghiệm sâu hơn về bản thân như cái cách mình từng làm.


Và khi bạn đã có sự sáng tỏ về vấn đề của mình, tin mình đi, khi đó, bạn cũng sẽ có sự sáng tỏ về cách giải quyết.

định vị bản thân
định vị bản thân

Bước 2: Xác định điểm đến


Bước tiếp theo của tiến trình này, đó là việc xác định cho mình một điểm đến.


Nhiều người bắt đầu ngay từ bước này, và mình nghĩ không sao cả. 2 bước đầu tiên này chúng ta có thể làm song song, hoặc 1 cái trước, 1 cái sau, đều được. Nhưng ở đây có một vài điều quan trọng mình muốn làm rõ.


Thực chất, cuộc sống của chúng ta là một tiến trình liên tục thay đổi. Không có một điểm dừng, hay một đích đến nào cả, nếu như để nói một cách khách quan nhất.


Nhưng một cái điểm đến, dù là mơ hồ trừu tượng hay rõ ràng cụ thể, cũng vẫn là hết sức cần thiết. Vì nó sẽ định hình thế giới quan của bạn, định hướng cho những sự lựa chọn của bạn, hay những việc bạn cần làm. Nó mang lại cho bạn một cảm giác tự chủ, như mình đang tự quyết định cuộc đời mình.


Có 2 cái chúng ta cần phải làm rõ: đó là tầm nhìn và mục tiêu.


Tầm nhìn có thể là một thứ gì đó trừu tượng. Một viễn cảnh trong cuộc sống bạn muốn có, một chân trời bạn đang hướng về. Chẳng hạn như một cuộc sống giản đơn ấm áp bên gia đình, một cuộc sống phiêu lưu tự do tự tại, hay một cuộc sống thành đạt và giàu có.


Không có mong muốn gì là sai cả, miễn là nó xuất phát từ sâu bên trong con người bạn, từ những thiên hướng tính cách của bạn, hay là những giá trị sống bạn trân trọng. Viễn cảnh đó sẽ chỉ cho bạn biết mình cần phải đi về đâu giữa những ngã rẽ quan trọng.


Nhưng bên cạnh đó, bạn sẽ cần phải cụ thể hoá nó hơn, và biến nó thành một mục tiêu. Và mục tiêu sẽ cần phải cụ thể, có tính thực tế, có thể được đo lường, và được gắn liền với một dấu mốc về thời gian.


Chẳng hạn, bạn đặt ra mục tiêu là bằng giờ này năm sau, mình sẽ đạt được mức thu nhập trung bình là 50 triệu/tháng, mình sẽ đọc được 10 cuốn sách về tâm lý học, mình sẽ đạt điểm IELTS 8.0, hoặc mình sẽ phát triển được kênh Instagram lên 10,000 người theo dõi. Đó là mình ví dụ như vậy. 

xác định điểm đến

Và nếu như tầm nhìn là một chân trời ở phía xa, thì mục tiêu giống như những cái cột mốc trên chặng đường đó. Nó là thứ thúc đẩy mình hành động, lôi kéo mình về phía trước, là từng bước dẫn mình đến được gần hơn với tầm nhìn lâu dài.


Mình thường hình tượng hóa nó như vậy. Và thực tế là: phần lớn mọi người bị mắc kẹt với những vấn đề của họ, vì họ không xác định được tầm nhìn và mục tiêu, không biết là mình thật sự muốn gì để thay đổi. Như mình nhận thấy: một mục tiêu thiết thực và ý nghĩa, đã tạo ra cho mình nhiều động lực như thế nào trong năm vừa rồi.


Tuy nhiên, mình cũng muốn nhấn mạnh: chúng ta chỉ nên tập trung vào một thứ. Xác định rõ một thứ quan trọng nhất, cần thiết nhất bạn muốn đạt được, và chỉ tập trung ý chí của mình vào nó thôi.


Đừng ham quá nhiều thứ, vì nó sẽ khiến cho bạn bị sao nhãng, phân tán, và cuối cùng chẳng đạt được cái gì cả. Chỉ cần làm tốt một thứ trước đã. Và khi đã vào quỹ đạo, bạn có thể đặt ra những mục tiêu khác. 


Vậy nên bước thứ 2, mình nghĩ có thể được tóm gọn thế này. Hãy xác định xem bạn muốn trở thành một con người như thế nào, muốn được sống một cuộc đời như thế nào. Và rồi sau đó, hãy xác định cho mình một và chỉ một mục tiêu cụ thể, thực tế, rõ ràng.


Hãy thử tự hỏi mình: ở thời điểm này 1 năm nữa, bạn muốn mình đang ở đâu, trong cuộc sống và sự nghiệp? Bạn muốn mình được cảm thấy biết ơn và tự hào về điều gì?


Bước 3: thiết kế lộ trình


Khi đã làm rõ được vấn đề của mình hiện tại, và xác định được nơi bạn muốn đến… thì nó sẽ tạo ra cho bạn một nguồn cảm hứng cực mạnh. Ở phía sau bạn có một lực đẩy, ở phía trước có một lực kéo, và nó sẽ tạo ra cho bạn quyết tâm để hành động.


Nhưng để hành động hiệu quả, cảm hứng không thôi là chưa đủ. Bạn sẽ cần phải có một bản kế hoạch. Giống như việc khi bạn nhập điểm đầu và điểm cuối trên Google maps, nó sẽ tính toán cho bạn một lộ trình, rằng bạn cần phải đi hướng nào, rẽ ở đâu, và mất bao lâu để đến nơi. Hành trình của bạn cũng như vậy.


Thử hình dung, nếu như chia nhỏ tầm nhìn ra thành mục tiêu, chúng ta phải tiếp tục chia nhỏ cái mục tiêu đó hơn, có thể là mục tiêu một năm có thể được chia ra thành mục tiêu theo tháng.


Và lý do cho việc chia nhỏ này, là để biến mục tiêu đó trở nên actionable, nghĩa là trở nên cụ thể, dễ thực hiện, và ở trong tầm kiểm soát. Nó có một sự liên hệ với thực tế.


Một khi vấn đề được làm rõ ràng hơn như vậy, bạn biết mình cần phải làm gì, thì việc bạn thật sự làm nó sẽ trở nên đơn giản hơn. Bạn biến cái mục tiêu ở phía xa trở thành một cái lộ trình có các bước để thực hiện.


Chẳng hạn, nếu như bạn muốn giờ này năm sau, mình đạt được mức thu nhập 50,000,000vnd, bạn sẽ cần phải lên kế hoạch. Nếu như một công việc kinh doanh dạng như side hustle, bạn sẽ dành ra bao nhiêu thời gian trong ngày, trong tuần, sẽ phải đi qua những giai đoạn phát triển thế nào, và 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng nữa mình cần phải đạt được những cột mốc gì.

thiết kế lộ trình
thiết kế lộ trình

Nhưng tất nhiên, mình không có ý nói bạn phải ngồi xuống lên kế hoạch chi tiết cho mọi thứ, cụ thể từng ngày từng giờ. Vì mặc dù lên kế hoạch là cần thiết, bạn cũng có thể bị rơi vào trạng thái overplanning, và nó giống như một cách để trì hoãn.


Bản thân mình cũng từng rơi vào trạng thái này, và nó chỉ khiến mình cảm thấy bị rối hơn. Hoặc là mình tự vẽ ra một kịch bản rất xa rời thực tế.


Phần lớn thời gian, bạn chỉ cần những kế hoạch đơn giản. Chẳng hạn, năm ngoái mình đặt mục tiêu là sau 1 năm, mình sẽ có 100,000 subscribers trên YouTube. Và mình kế hoạch hóa nó bằng việc, mỗi tuần mình sẽ sáng tạo được một nội dung mới. Khi xác định được lịch trình như vậy, mình cảm thấy rất rõ ràng là, ngày hôm nay mình cần phải làm gì, và bao giờ mình cần phải làm xong. 


Hoặc nếu như bạn muốn năm sau, mình sẽ nâng trình độ tiếng Anh của mình lên 8.0 IELTS, hãy lên kế hoạch cho lộ trình học của bạn. Bạn sẽ dành ra bao nhiều giờ mỗi tuần để tự học, hoặc sẽ đăng ký học thêm vào thời điểm nào.


Mục đích của việc này, là để bạn tư duy về hành trình phát triển của mình một cách có chiến lược hơn, cũng như là để cụ thể hóa vấn đề, tăng khả năng bạn sẽ thực hiện những việc mà mình cần phải làm.


Và rồi sau đó sẽ là gì? Chắc bạn cũng đoán được rồi, đó là: làm.


Bước 4: kiên trì hành động 


Đây là bước thực tế nhất để đưa bạn đến nơi cần đến, và sẽ thật sự tạo ra sự thay đổi cho cuộc đời bạn. Nhưng cũng là bước mà phần lớn mọi người sẽ thất bại. 


Và mình hy vọng là nếu như bạn ở đây, bạn sẽ là một trong số ít những người thật sự làm được, thật sự biến khao khát trở nên tốt hơn của mình thành hành động, thật sự có được kết quả. 


Ở bước này, bạn sẽ cần phải xây dựng cho mình một sự tự kỷ luật, để nhắc nhở và giám sát bản thân, kiên trì hướng đến mục tiêu của mình. Vì không có sự thay đổi nào là diễn ra sau một đêm cả. Bạn chỉ có thể thay đổi từng chút mỗi ngày, nhưng theo thời gian sẽ tích lũy và tạo thành sự thay đổi lớn. 


Và mình biết, kiên trì hành động không hề dễ. Mình từng hình thành cho bản thân những thói quen tích cực trong 1 năm, và đến năm tiếp theo thì để mất, và mình đã phải bắt đầu lại trong cảm giác khá tệ. 


Bạn chắc chắn sẽ gặp phải những thử thách này.


Thứ nhất, sự thay đổi nhiều khi sẽ đáng sợ. Vì trong quá trình chúng ta trưởng thành, con người chúng ta đã được định hình bởi những trải nghiệm, bởi môi trường sống xung quanh.


Và để thay đổi, chúng ta đang sử dụng ý chí cá nhân để tự tạo ra một con người mới, làm những việc mà trước đây chúng ta chưa từng làm. Chúng ta cần có thời gian để thích nghi, và việc cảm thấy hoang mang, bỡ ngỡ, thậm chí lo lắng khi phải bước ra khỏi vùng an toàn, là một cảm giác hết sức bình thường. Hãy có niềm tin với bản thân, và kiên nhẫn với tiến trình của mình.


Thứ hai, khi bạn cố gắng mãi rồi mà chưa thấy có kết quả gì, bạn có thể sẽ thấy nản, và thấy muốn bỏ cuộc. Nhưng thay vì đổ lỗi cho một thứ gì đó, hãy thử nhìn lại kế hoạch của mình. Có thể nó chưa hiệu quả lắm, hãy điều chỉnh nó, chọn những hướng đi khác, tối ưu hóa nó hơn cho phù hợp với cuộc sống của mình.


Giống như khi bạn đi theo lộ trình trên map, có lúc nó sai, có lúc bạn bị tắc đường, cấm đường… cách để ứng phó không phải là quay trở về vạch xuất phát, mà chúng ta tìm một lối đi khác để dẫn đến nơi mình cần đến.


Hãy thử quay trở lại bước số 3 thường xuyên. Kế hoạch của bạn cần phải có sự linh hoạt và thích ứng với hoàn cảnh thực tế.

kiên trì hành động 
kiên trì hành động 

Và thứ ba, sẽ có những ngày bạn cảm thấy lười, cảm thấy mệt, không sao cả. Bạn có thể nghỉ ngơi, có thể cho mình một chút thời gian để cân bằng lại, nhưng sau đó sẽ phải tiếp tục, sẽ phải có sự kiên trì hướng đến mục tiêu phía trước mình.


Và nếu như bạn rơi vào trạng thái trì trệ quá lâu, hãy quay trở lại bước 1 và 2. Thử nhìn lại xem bạn đã hiểu rõ vấn đề của mình chưa? Mục tiêu mình đặt ra có thật sự quan trọng và ý nghĩa với mình hay không? Xác định lại rõ xem điều bạn thật sự cần là gì.


Cuối cùng, đừng quên dừng lại để ghi nhận sự cố gắng của mình. Trân trọng những sự tiến bộ bạn đã và đang tạo ra, cho dù nó bé nhỏ và khó thấy. Quan điểm của mình là: không có sự nỗ lực nào là vô nghĩa.


Vậy nên, hãy có niềm tin, và biết khích lệ bản thân mình một chút. Vì việc này sẽ tạo ra cho bạn sức bền để có thể tiếp tục phát triển được xa hơn.


Người ta vẫn hay nói là just do it. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất để just do it một cách kiên trì, bền bỉ, nhất quán trong suốt một thời gian dài, thật sự không hề dễ. 


Nhưng nếu bạn làm được, và thật sự tạo ra được những sự phát triển mới, nó cũng sẽ mang đến cho bạn một siêu năng lực. Đó là siêu năng lực tự thay đổi chính mình.


Tạo ra được một sự thay đổi, sẽ cho bạn khả năng để tạo ra nhiều sự thay đổi khác sau này. Bạn có thể tự thiết kế và xây dựng chính mình trở thành con người mà bạn muốn. 


Và cái siêu năng lực này cũng sẽ mở ra cho bạn một tương lai hoàn toàn mới, một cuộc đời không bị ràng buộc bởi những xu hướng bẩm sinh, bởi vận may của số phận, hay bởi những tác động từ gia đình, từ xã hội. Mà đó sẽ là một cuộc đời của riêng bạn, do chính bạn tạo ra.


Final thoughts


Mình biết, với những nội dung phát triển bản thân như thế này, rất nhiều người chỉ nghe xong để đấy, thấy có cảm hứng được một hôm xong hôm sau lại như cũ. Và mình rất hy vọng, rằng bạn không phải là một người như vậy.


Là một người làm nội dung, mình chỉ có thể cung cấp cho bạn góc nhìn, kiến thức, hoặc gợi ra cho bạn một chút cảm xúc để bắt đầu. Nhưng 99,9% còn lại vẫn sẽ nằm ở mỗi người chúng ta, ở việc chúng ta sẵn sàng đến đâu, nghiêm túc đến đâu, và cam kết đến đâu với sự phát triển của mình.


Nếu như bạn thật sự muốn có một bước tiến mới, muốn nâng cấp bản thân, muốn được hạnh phúc hơn và thành công hơn, thì chỉ bạn mới có thể tạo ra được nó mà thôi. 


Và mình cũng hy vọng, bằng thời gian này một năm nữa, bạn sẽ có những sự thay đổi như bạn muốn, và thậm chí là lột xác để trở thành một phiên bản tốt hơn so với hiện giờ. 


Đừng đánh giá thấp những sự thay đổi bạn có thể tạo ra chỉ trong vòng 1 năm. Chỉ cần bạn làm tốt nhất trong khả năng của mình mỗi ngày, và làm được như vậy trong 365 ngày liên tục, thì nó sẽ tạo thành hiệu ứng lũy tiến cực kì đáng kể.


Và nếu như bạn muốn thật sự cam kết với bản thân, mình có một thử thách thế này. Hãy comment bên dưới một lời nhắn mà bạn muốn gửi đến mình 1 năm nữa. Sau đó, bạn hãy vào Google calendar, tạo 1 lời nhắc cho chính mình vào đúng ngày của năm sau, và đừng quên dán đường link của chiếc bài viết này vào, để lúc đó bạn có thể quay lại và xem 1 năm trước mình đã viết gì. Mình tin là việc này sẽ khá là thú vị.


Cuối cùng, rất cảm ơn bạn đã dành thời gian để lắng nghe những chia sẻ này. Hẹn gặp lại bạn ở một nội dung khác.


Hà Minh aka Cosmic Writer



Comments


bottom of page