Việc đặt ra mục tiêu cho bản thân mình là hết sức cần thiết. Nhưng để một mục tiêu phát huy được hiệu quả nhất chức năng định hướng của nó, thì mục tiêu đó nhất định không được phép (1) quả nhỏ, hoặc (2) quá lớn.
01.
Nếu như mục tiêu quá nhỏ, nó sẽ không mang lại cho bạn đủ động lực. Một mục tiêu không đủ lớn để thôi thúc bạn, cũng sẽ thường kém hấp dẫn, và thậm chí không khiến bạn cảm thấy tự hào khi đạt được. Đặt ra cho mình mục tiêu quá nhỏ, và nó sẽ trở thành một chiếc to-do-list.
02.
Ngược lại, nếu như mục tiêu của bạn quá lớn, nó sẽ có thể khiến bạn cảm thấy mơ hồ, choáng ngợp, và mông lung không biết phải thực hiện thế nào. Bạn thậm chí có thể sẽ cảm thấy không đủ tự tin rằng mình có thể thực hiện được, và rồi âm thầm từ bỏ. Đặt ra cho mình mục tiêu quá lớn, và nó sẽ trở thành một mơ tưởng xa vời.
Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng một mục tiêu hiệu quả nhất, sẽ cần phải có một độ lớn "tối ưu". Vậy, một mục tiêu "tối ưu" là thế nào?
Đó là khi mục tiêu của bạn (1) đủ lớn để khiến bạn khát khao và rạo rực, nhưng (2) không quá lớn để khiến bạn hoang mang.
Nói cách khác, mục tiêu đó sẽ cần phải là sự giao thoa giữa "ước mơ" và "thực tiễn", là sự hòa hợp giữa chữ "muốn" và chữ "có thể".
Để dễ hình dung, bạn có thể tự đặt ra câu hỏi: "đâu là một cuộc sống mình muốn có, mà mình có thể có?". Hoặc: "con người mà mình thật sự muốn trở thành, mà mình có thể trở thành, sẽ là một con người thế nào?"
Hoặc, bạn có thể bắt đầu từ việc thấu hiểu rõ về năng lực của mình. Hãy tự hỏi xem bạn "có thể" có những tương lai như thế nào, và rồi hướng mình đến viễn cảnh tương lai mà bạn "muốn" có được nhất.
Comments