top of page

Thứ duy nhất bạn nên trì hoãn

Khi phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, chúng ta thường chọn những việc dễ làm, ít quan trọng, và mang lại cho bản thân những sự thỏa mãn trước mắt. Trong khi đó, những việc quan trọng, cần thiết, lại thường bị trì hoãn vì chúng xem chừng như khó làm và tốn sức lực.


Bạn chọn một tập phim thay vì giải quyết công việc, chọn một ly trà sữa thay vì vận động cơ thể, chọn hóng drama thay vì học tập thêm một kỹ năng mới.


Nhưng trì hoãn những trách nhiệm quan trọng cần làm, thực chất không làm chúng biến đi mất. Trong tương lai chúng rồi sẽ quay trở lại với một hình thức còn đáng sợ hơn:


Chỗ việc bạn cần làm, như nhân đôi về khối lượng khi deadline đang gần kề. Sức khỏe của bạn đi xuống, khiến cho việc vận động ngày càng khó khăn hơn. Việc không đầu tư nâng cấp bản thân, khiến bạn tụt lại phía sau cả những đồng nghiệp trẻ hơn mình…


Suy cho cùng, bạn chỉ đang nhường lại những khó khăn đó cho tương lai. Chính bởi sự thoái thác trách nhiệm như vậy, độ khó của những công việc đó cũng tăng dần lên. Và bạn-của-tương-lai, chính là người gánh trọn hậu quả.


Nhưng trọng tâm của vấn đề không phải ở bản thân sự trì hoãn. Mà nằm ở việc bạn lựa chọn trì hoãn điều gì.


Thứ duy nhất mà bạn nên trì hoãn, là những sự thỏa mãn của ngay-bây-giờ. Tâm lý học gọi sự kháng cự lại những cám dỗ nhất thời này bằng thuật ngữ “delayed gratification”.


Nghĩa là, thay vì sự thỏa mãn ngay trước mắt, bạn chấp nhận chờ đợi để nhận được những sự thỏa mãn còn ngọt ngào và ý nghĩa hơn về sau. Thay vì “nhường” lại cho phiên bản tương lai của mình toàn việc khó, bạn sẵn sàng chia sẻ, gánh vác, để những trách nhiệm ấy được nhẹ nhàng hơn, dễ dàng hơn, và bạn-của-tương-lai chắc chắn sẽ rất trân trọng điều này.


Việc đánh đổi sự thỏa mãn của hiện tại vì một mục đích quan trọng hơn trong tương lai, như giáo sư Jordan Peterson từng nói, thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về bản chất tuyến tính của thời gian, mà ngoài con người ra không có nhiều loài sinh vật khác có thể làm được.


Chỉ cần chút hy sinh trước mắt, nhưng bạn lại có thể nhận về những thành quả có giá trị hơn về lâu dài. Đó là biểu hiện của một người có tầm nhìn, có khả năng tự chủ, và không dễ bị cám dỗ bởi những tư duy ngắn hạn.


Những năm 70 của thế kỷ trước, nhà tâm lý Walter Mischel từng thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng với tên gọi “marshmallow experiment” tại Stanford University. Trong thí nghiệm này, những đứa trẻ 4 tuổi được đưa vào một căn phòng và phải trải qua một thử thách:


(1) Chúng có thể lựa chọn ăn ngay một miếng kẹo dẻo. Hoặc (2) là kiên nhẫn chờ đợi cho hết 15 phút để được nhận 2 miếng.


Những đứa trẻ có thể trì hoãn ham muốn được nhận phần thưởng ngay tức thì, sau cho thấy kết quả học tập tốt hơn, khả năng quản lý stress tốt hơn, tư duy tốt hơn, tự tin hơn, và biết nhìn xa trông rộng. Nói cách khác, “delayed gratification” cho thấy mối liên hệ với những thành công trong cuộc sống về lâu dài.


Trong khi đó, sự thiếu kiểm soát bản thân, có mối liên hệ tới các căn bệnh về tâm lý, như lo âu hay trầm cảm. Những phần thưởng trước mắt, hóa ra lại có những cái giá phải trả về sau. Các nhà tâm lý học nhận thức gọi xu hướng này là sự “xem nhẹ thời gian” (temporal discounting).


Tin mừng là, khả năng tự kiểm soát bản thân có thể được nuôi dưỡng và phát triển trong tương lai. Nó cũng giống như một bó cơ, có thể được trở nên khỏe mạnh và linh hoạt hơn, nếu như bạn chủ động rèn luyện nó mỗi ngày.


Có thể chỉ đơn giản là ở việc sẵn sàng xắn tay vào làm việc khó, đảm đương những trách nhiệm bạn biết mình cần làm, và nỗ lực duy trì được việc này trong một khoảng thời gian. Những việc khó ấy sẽ dần trở thành dễ, trở thành những thói quen hàng ngày, và trở thành một phần con người bạn.


Hoặc lựa chọn cách nói “không” mỗi khi tâm trí bạn muốn “buông lơi” vào những thỏa mãn nhất thời. Như trong nghiên cứu của Mischel cho thấy, việc nhận biết và đánh lạc hướng bản thân khỏi những ham muốn ấy, là một phương pháp đối phó có tác dụng. Sẵn sàng trì hoãn những ham muốn nhất thời, giúp cho bạn được tự do khỏi chúng.


Hãy bắt đầu bằng cách tập nhìn xa hơn. Đừng để những vui sướng hay khó khăn trước mắt đưa ra lựa chọn thay cho bạn, mà hãy học cách nhận biết tầm ảnh hưởng lâu dài của những hành động, và ý nghĩa của chúng với cuộc sống của bạn sau này.


Cosmic Writer

コメント


bottom of page