Sau khi U23 Việt Nam lên ngôi vương bóng đá nam tại SEA Games, sáng nay tôi thức dậy với những hình ảnh dân tình đội mưa ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Khi câu thần chú "Việt Nam vô địch" vang khắp những góc trời, "tinh thần dân tộc" trong tôi cũng xôn xao trỗi dậy: tôi vừa cảm thấy hoài niệm về những đêm đi bão khắp Hà Nội nhiều năm trước, vừa tự đặt ra trong thâm tâm những câu hỏi về ý nghĩa của việc sinh ra là một người con đất Việt.
Có điều này tôi cần thú nhận: tôi không phải là một người có niềm "tự hào dân tộc" quá cao, ít nhất là với ý nghĩa phổ thông của nó. Đối với tôi, câu nói "tự hào là người Việt Nam" không mang ý nghĩa khích lệ tinh thần nhiều bằng những ý nghĩa về trách nhiệm - về vai trò của mỗi cá nhân với đất nước nơi mình sinh ra.
Khi được nghe kể về câu chuyện của ông bà, của những người đi trước đã chiến đấu ra sao, đã hy sinh thế nào, để có thể gìn giữ được nền độc lập tự do, và hơn hết là bảo tồn được cái "hồn" của dân tộc, tôi không cảm thấy gì khác ngoài sự ngưỡng mộ, kính trọng, và khiêm nhường. Đó là những kỳ tích của lịch sử mà bao thế hệ người Việt đã nỗ lực cùng nhau chung tay kiến tạo, mà tôi chưa bao giờ coi là nghiễm nhiên.
Tuy vậy, điều ấy khiến tôi nghĩ tới việc: thế hệ người trẻ chúng ta, cần phải làm những gì để xứng đáng với những chiến tích của ông cha, cần phải cố gắng thế nào để tiếp nối được cái "hồn" anh dũng ấy trong những công cuộc còn dang dở phía trước? Liệu chúng ta sẽ ngạo mạn ngủ quên trên chiến thắng, hay sẽ tiếp tục đổ mồ hôi sôi nước mắt để đưa nước Việt "sánh vai các cường quốc năm châu", để tạo ra niềm tự hào cho những thế hệ đến sau?
Những năm tháng đi du học nước ngoài, tôi mới nhận ra rằng: người Việt Nam chúng ta còn nhiều việc để làm, nếu như muốn tạo ra tầm ảnh hưởng và để lại nhiều dấu ấn trong bối cảnh quốc tế. Một cậu bạn người Úc ở cùng nhà tôi từng hỏi một câu khiến tôi chạnh lòng: "Việt Nam có phải là một thị trấn ở Tây Úc không?" Nhưng tất nhiên, câu hỏi ngây ngô ấy không tượng trưng cho điều gì cả.
Bước vào môi trường đại học, tôi từng ngồi chung lớp với những bạn sinh viên quốc tế, đến từ những dân tộc giàu và mạnh hơn mình: Úc, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tôi thường là đứa Việt Nam duy nhất, nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình thua kém. Vì tôi hiểu rõ điều này: bên cạnh việc là một sinh viên đang trên con đường theo đuổi sự học, tôi còn đang đại diện cho đất nước của mình.
"Tinh thần dân tộc" của tôi được thể hiện ra như vậy. Đó không phải là vỗ ngực tự đắc, mà là nỗ lực hết mình để chứng minh rằng: Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng là đất của người tài, là nơi của tinh thần chiến đấu kiên cường vượt lên nghịch cảnh. Niềm tự hào ấy, cần phải đi cùng với những thành quả tương xứng.
Vì lẽ đó, những khi đồ án của tôi đứng nhất lớp hồi năm 2, hay khi tôi được nhận những giải thưởng xuất sắc của khóa suốt mấy năm thạc sĩ, tôi cảm thấy từ tận bên trong một niềm tự hào vượt lên trên chính bản thân mình. Cảm tưởng như mình đã giành "chiến thắng" trong những cuộc mini Olympics ở môi trường học thuật, cho dù thành tựu ấy nhỏ bé và chẳng đáng để ai bận tâm, phần nào tôi đã giành được sự tôn trọng ít nhiều từ thầy cô và bạn bè quốc tế.
Quay trở lại với câu chuyện về bóng đá: trong những năm gần đây Việt Nam dần vươn mình và trở thành một thế lực thật sự ở Đông Nam Á. Đối đầu với người Thái, Việt Nam đã giành chiến thắng hoàn toàn xứng đáng. Những vinh quang ấy, là những thành tựu mà thế hệ trẻ ngày nay đã làm tốt hơn những thế hệ trước. Ngày hôm nay, tất cả chúng ta có lẽ đều cảm thấy tự hào vì mình là người Việt, và tôi hy vọng rằng niềm tự hào ấy sẽ còn được tiếp nối để làm rạng danh truyền thống dân tộc.
Xin chúc mừng đội tuyển U23 nam, chúc mừng đội tuyển nữ, chúc mừng Việt Nam.
Cosmic Writer
Comments