Trong cuốn "Atomic Habits" (2008), tác giả James Clear có nói đến mô hình 3 cấp độ của sự thay đổi hành vi: be - do - have (căn tính - hành động - kết quả).
Trong đó, căn tính (identity), là cách mà bạn tự nhìn nhận và định nghĩa chính mình. Đây là nơi tận cùng nhất trong tâm trí và tư duy của mỗi cá nhân, cũng là nơi sự thay đổi là khó khăn nhất, mà cũng sâu sắc nhất.
Nếu như bạn muốn thành công, bạn phải tư duy như một người thành công. Nếu như bạn muốn hạnh phúc, bạn phải tư duy như một người hạnh phúc. Việc quyết định con người mình muốn trở thành (be), là điều kiện đầu tiên và cần thiết nhất để có được trong tay những gì mà con người ấy xứng đáng (have).
Tuy vậy, để hiện thực hóa được những tư duy của mình, chúng ta không thể nào bỏ qua được bước "hành động" (do). Đây là con đường duy nhất để những định nghĩa của bạn về căn tính của mình được xây dựng và củng cố. Nó là một quá trình yêu cầu bạn phải chủ động triển khai sáng tạo, nhào nặn, và thỏa hiệp với thực tại con người mình.
Có những thứ có "trong đầu" nhưng rồi cứ ở mãi "trong đầu", vĩnh viễn là một mơ tưởng không đạt được, ngày qua ngày làm tâm hồn bạn hao mòn day dứt. Nếu như không dám vất vả, không dám nỗ lực và đổ mồ hôi vì những gì mình thật sự khao khát, thì những gì "có trong tay" sau cùng sẽ chỉ là một sự trống rỗng.
Chỉ từ những hành động tích cực được lặp lại đều đặn mỗi ngày, mà bạn mới từng bước kiến tạo nên cho mình một bản dạng con người mới, lành mạnh hơn và trọn vẹn hơn.
Những chiến thắng ấy tuy bé nhỏ mà vĩ đại, dần tạo thành chiếc cầu kết nối giữa "thực tại" và "ước mơ". Những hành động ấy sẽ định nghĩa con người bạn (be), và rồi cả những gì bạn có (have).
Cũng như Aristotle đã từng viết: "Chúng ta chính là những gì được mình lặp đi lặp lại nhiều lần".
Nói cách khác, đừng chỉ mải nghĩ mà không làm. Những thứ bạn rồi sẽ có "trong tay", không gì khác hơn ngoài chính những gì đôi tay ấy đã bỏ công sức tạo dựng.
Có thể nói, đó là sức mạnh thật sự của những hành động.
Comentarios