Bạn sẽ tự thấy mình ở đâu trong vòng 5 năm nữa?
Đây là một câu hỏi khiến cho nhiều người cảm thấy đau đầu trong những buổi phỏng vấn. Nhiều người thậm chí không suy nghĩ nghiêm túc về nó. Họ sẽ sáng tác một câu trả lời như văn mẫu để tỏ ra chuyên nghiệp trước mắt nhà tuyển dụng.
Nhưng bạn hãy thử tiếp cận vấn đề này từ một góc nhìn khác. Ở đây chẳng có ai phỏng vấn bạn cả, ngoại trừ việc bạn đang tự phỏng vấn chính mình. Bạn không cần phải lo nếu như chưa có câu trả lời rõ ràng.
Thử hình dung về 5 năm nữa:
Cuộc sống của bạn lúc ấy sẽ diễn ra như thế nào?
Bạn có cảm thấy hạnh phúc không?
Bạn có cảm thấy tự hào và thỏa mãn với những gì mình có hay không?
Mình biết, khoảng cách 5 năm, hay nửa thập kỷ, nghe có vẻ gì đó rất xa vời. Nhất là khi chúng ta mới chỉ được sinh ra và tồn tại trên trái đất này chưa phải quá lâu.
Nhưng thực tế, chỉ có bạn ở hiện tại mới quyết định được:
Bạn sẽ ở đâu trong vòng 5 năm, 10 năm nữa, hay xa hơn như thế…
Bạn sẽ có một cuộc sống thất bại hay thành công, đau khổ hay hạnh phúc.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn 5 yếu tố quyết định tương lai của mỗi người. Đây hoàn toàn là những bài học rất ý nghĩa mình chiêm nghiệm và đúc kết được trên hành trình trưởng thành. Chúng mình cùng khám phá ngay bây giờ nhé.
1. Trách nhiệm bản thân (personal responsibility)
Trước hết, bạn cần phải có một thái độ sống, một tâm thế sẵn sàng làm chủ cuộc đời mình. Nó được gọi là personal responsibility, nghĩa là việc tự nhận lấy trách nhiệm với chính bản thân mình.
Việc có trách nhiệm với mình, nó giống như khi bạn ở trên một chuyến xe. Bạn quyết định không đóng vai làm một người hành khách, một người mà dòng đời hay số phận đưa bạn đi đến đâu là bạn đi đến đấy.
Thay vào đó, bạn sẵn sàng nhận lấy vai trò của người cầm lái, một vai trò sẽ thử thách hơn, đòi hỏi ở bạn nhiều hơn. Thế nhưng, nó sẽ cho bạn quyền tự quyết những nơi mà bạn muốn đến.
Lúc nào đi, lúc nào ngừng, lúc nào chọn rẽ sang một con đường khác, tất cả sẽ do bạn tự quyết định.
Tư duy về trách nhiệm, nó không giống như tư duy đổ lỗi. Bạn không đổ lỗi cho ai vì những vấn đề trong cuộc đời mình, không phải tại gia đình, tại thầy cô, hay tại một thế lực vô hình nào đó, thậm chí còn chẳng phải tại mình.
Vì tư duy đổ lỗi đồng nghĩa với việc bạn gián tiếp khẳng định rằng mình là nạn nhân.
Thế nhưng, tổn thương của bạn chỉ có bạn mới có thể chữa lành. Mục tiêu của bạn chỉ có bạn mới có thể đạt được. Tương lai của bạn sướng khổ thế nào, cũng chỉ riêng mình bạn là người trải nghiệm.
Tất cả phụ thuộc vào việc bạn có tự yêu thương, chăm sóc, kỷ luật bản thân hay không. Nếu chúng ta không tự chủ động với bản thân, không ai có thể giúp được chúng ta cả.
Mình biết, nhiều khi, “trách nhiệm” khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và áp lực.
Nhưng liệu chúng ta có hạnh phúc hơn khi thoái thác trách nhiệm và phó mặc cuộc đời mình cho người khác, cho hoàn cảnh, hay cho số phận hay không? Mình không nghĩ như vậy.
Khi bạn tự có trách nhiệm với mình, tự quyết định vận mệnh của mình, bạn sẽ có quyền tự do để trở thành con người mình muốn trở thành, để tự tạo ra một cuộc đời mình muốn sống. Như Viktor Frankl có viết trong cuốn “Man’s search for meaning”:
“Một người có thể bị lấy đi tất cả mọi thứ, ngoại trừ duy nhất một điều: sự tự do cuối cùng của con người, sự tự do để lựa chọn một thái độ sống trong bất kì hoàn cảnh nào, và để lựa chọn một con đường của chính bản thân mình”. Viktor Frankl, “Man’s Search for Meaning”
2. Môi trường sống (environment)
Khi đã có một thái độ sống trách nhiệm và chủ động với bản thân, mình nghĩ, chúng ta sẽ cần phải nhìn nhận và soi xét lại môi trường sống xung quanh mình.
Môi trường sống ở đây, không phải chỉ bao gồm thành phố nơi bạn sống, nó còn là ngôi nhà của bạn, căn phòng của bạn, hay những người bạn tiếp xúc, những tài khoản bạn theo dõi trên mạng xã hội.
Nhìn chung, nó là tổng hòa của tất cả các yếu tố từ thế giới bên ngoài, đang gián tiếp ảnh hưởng và tác động đến bạn.
Thế nhưng, tầm ảnh hưởng của môi trường lên chất lượng cuộc sống của chúng ta, theo như mình thấy, rất thường xuyên bị đánh giá thấp.
Nghiên cứu trên tạp chí Journal of Environmental Psychology chỉ ra rằng, mức độ bừa bộn trong căn nhà của bạn có ảnh hưởng xấu đến chất lượng sức khỏe tâm lý.
Hay như học thuyết về “social contagion” nói rằng, những thái độ, cảm xúc, hành vi của chúng ta sẽ thường có xu hướng lan truyền đến nhiều người trong cùng một tập thể.
Điều này giải thích rằng, nếu như chúng ta ở trong một môi trường xấu, dù ít hay nhiều, chúng ta cũng sẽ dễ bị tác động tiêu cực bởi môi trường ấy, và ngược lại.
Ở một môi trường tốt, chúng ta cũng được tốt lên. Như người xưa vẫn thường nói: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Khi bạn có sự chủ động và một tầm nhìn đủ tốt, bạn sẽ thấy rõ đâu là những tầm ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực.
Những yếu tố môi trường xung quanh đang giúp đỡ, hay đang cản trở bạn? Những mối quan hệ của bạn đang kìm hãm, hay đang ủng hộ bạn?
Sau đó, bạn có thể tự tìm kiếm, điều chỉnh, và thiết kế cho mình một môi trường sống tích cực hơn. Bạn có thể sắp xếp, tổ chức lại không gian sống của mình, hoặc kết giao với những mối quan hệ mới, lành mạnh và tích cực hơn.
Bởi vì, bạn thử hình dung về mình giống như một hạt mầm vậy. Ở bên trong bạn vẫn còn đang có rất nhiều tiềm năng.
Nhưng hạt mầm cần phải được trồng ở một nơi có điều kiện thuận lợi, đất phải tốt, phải đủ nắng, đủ nước, nó mới có thể phát triển được.
Tương tự, bạn sẽ cần phải có cho bản thân một môi trường phù hợp, mới có thể mở khóa được tối đa những tiềm năng của mình.
3. Thói quen hàng ngày (daily habits)
Tương tự như vậy, một yếu tố cũng cực kì quan trọng nhưng lại thường xuyên bị đánh giá thấp, chính là những thói quen hàng ngày.
Hàng ngày, chúng ta thực hiện những việc lặp đi lặp lại, như ăn uống, ngủ nghỉ, vận động. Đó là những việc rất cơ bản, đến độ chúng ta rất ít khi để tâm đến nó.
Thế nhưng, chất lượng sống về lâu dài của bạn sẽ được quyết định phần nào bởi sự đều đặn trong từng việc nhỏ như vậy.
Giống như một câu nói của Ralph Waldo Emerson: “gieo một thói quen, gặt một nhân cách, gieo một nhân cách, gặt một số mệnh”.
Chính cái cách bạn tổ chức cuộc sống của mình xung quanh các thói quen hàng ngày, sẽ có thể dự báo được tương lai của bạn.
Chẳng hạn như nếu lượng calories bạn nạp vào bởi thói quen ăn uống, nhiều hơn lượng calories bạn đốt bởi thói quen vận động, về lâu dài, bạn sẽ trở nên thừa cân.
Mặt khác, bạn dành ra một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để tập trung sâu vào chuyên môn nào đó, về lâu dài, theo như quy tắc 10,000 giờ của Malcom Gladwell, bạn cũng sẽ tất yếu trở nên xuất sắc với kỹ năng đó.
Trong cuốn “Atomic Habits”, tác giả James Clear có đưa ra một hình ảnh ẩn dụ mình thấy khá thú vị. Mình sẽ Việt hóa nó một chút.
Tưởng tượng như khi bạn là người cầm lái chiếc máy bay từ Hà Nội vào Hồ Chí Minh.
Chỉ cần quỹ đạo bay của bạn lệch đi 2 độ, một sự thay đổi rất nhỏ và thậm chí khó để nhận ra được, thì cuối cùng, bạn sẽ hạ cánh ở Phnom Penh, cách Hồ Chí Minh tận hơn 200km.
Ví dụ này để minh họa cho việc, những sự thay đổi tuy rất nhỏ, nhưng lại có thể tạo ra sự khác biệt vô cùng lớn, nhất là khi đó là những sự thay đổi được duy trì, được tiếp diễn trong suốt một khoảng thời gian dài.
Vậy nên, nếu như bạn muốn tự định đoạt được điểm đến tương lai của mình, bạn có thể bắt đầu từ những sự thay đổi nhỏ, những yếu tố tưởng như không đáng kể nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn, như những thói quen hàng ngày vậy.
Vì nó có tầm ảnh hưởng mang tính hệ thống, trực tiếp làm nên tính trật tự cho cuộc sống của bạn.
Nếu bạn muốn mai sau mình có hiểu biết nhiều hơn, hãy xây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày. Nếu bạn muốn mình trở nên xuất sắc với kỹ năng viết, hãy thử dành ra 30 phút để luyện tập và thực hành nó mỗi buổi sáng.
Cái khoảnh khắc bạn đưa ra một sự thay đổi như vậy, một vài năm sau nhìn lại, mình tin là bạn sẽ thấy, đó là một quyết định tuyệt vời.
4. Những bước ngoặt (the turning points)
Trong cuộc đời của chúng ta, sẽ luôn có một vài khoảnh khắc, hay nói đúng hơn là những sự lựa chọn quan trọng, có tầm ảnh hưởng quyết định lên hành trình của mỗi người sau này. Mình gọi đó là những bước ngoặt của số phận.
Chẳng hạn như khi bạn lựa chọn một ngôi trường, một lĩnh vực để theo đuổi, hay khi lựa chọn trao trái tim của mình cho một người nào đó.
Như với mình, có một vài những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt mình từng trải qua. Ví dụ như việc mình đi du học, đổi ngành học, về Việt Nam, hay việc mình tạo nên thương hiệu cá nhân Cosmic Writer.
Có thể xem như, đó là những hướng đi quan trọng, cốt truyện chính yếu trong cuộc đời mình. Nó vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của mình hiện giờ, thậm chí cho đến mãi sau này.
Mình nhận thấy, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ dữ liệu để lựa chọn, không bao giờ cảm thấy 110% chắc chắn con đường nào là đúng.
Khi phải đối diện với những ngã rẽ lớn như vậy, bạn có thể nghe lời khuyên của người khác, học hỏi từ những người đi trước.
Nhưng đến cuối cùng, chúng ta sẽ cần phải tự suy xét thật kỹ, bằng một thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm với chính mình. Chúng ta sẽ cần cố gắng đưa ra quyết định đúng đắn nhất với khả năng và hiểu biết của mình lúc ấy.
Có thể, việc này không đảm bảo rằng bạn sẽ đưa ra sự lựa chọn đúng. Nhưng nó có thể đảm bảo rằng bạn sẽ không bao giờ hối tiếc về những gì mình lựa chọn.
5. Tâm thế chủ động (proactive mindset)
Yếu tố này sẽ quyết định rằng, 5 năm nữa, bạn cũng vẫn chính là bản thân mình hiện giờ nhưng già hơn 5 tuổi, hay sẽ là một con người được nâng cấp hơn, có giá trị hơn, một phiên bản hoàn thiện hơn của chính bản thân mình.
Đó là một tâm thế chủ động để phát triển bản thân.
Đây là một tâm thế, hay một thái độ khi đối diện với cuộc sống. Đó còn là một mindset của việc sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng cải tiến và làm mới bản thân, trước những thay đổi và biến động của thế giới.
Mình không biết tương lai sẽ diễn ra thế nào. Nhưng một điều có thể chắc chắn, là thế giới của 10 hay 20 năm nữa, rồi sẽ là một thế giới rất khác.
Khi tốc độ phát triển của mọi thứ càng nhanh, khối lượng kiến thức mới được khám phá cũng càng nhiều, số lượng những phát kiến công nghệ đột phá ngày càng đa dạng, đến độ không một cá nhân đơn lẻ nào có thể hiểu biết hết được.
Trong một thế giới thiên biến vạn hóa như vậy, sự linh hoạt, cởi mở của chúng ta để sẵn sàng tìm hiểu, nắm bắt, làm mới bản thân, sẽ là yếu tố cực kì quan trọng. Bạn sẽ có thể thích nghi và sinh tồn trong thế giới của tương lai. Vậy nên, đừng tự đóng cánh cửa của mình lại.
Nhưng đó mới chỉ là một nửa của câu chuyện. Về phía bản thân mỗi chúng ta, một thái độ cầu tiến như vậy sẽ là chìa khóa để bạn có thể liên tục trở nên tốt hơn.
Các nghiên cứu về growth-mindset của Susan Dweck cho rằng, một tâm thế sẵn sàng chấp nhận thử thách, và một niềm tin về khả năng phát triển của mình. Đó sẽ là một điều kiện cần thiết, giúp một người đạt được những kết quả tốt hơn trong học tập cũng như trong sự nghiệp.
Mình đã từng nhắc đến khái niệm growth-mindset này không ít lần. Nhưng khi bản thân mình có sự phát triển lên những cấp độ cao hơn, dần phải đối diện với những thử thách khó khăn hơn, mình lại càng cảm nhận điều này sâu sắc hơn trước.
Chẳng hạn như những anh chị mình ngưỡng mộ, dẫn đầu trong các lĩnh vực, cũng là những người ngoài 30, ngoài 40. Nhưng họ không bao giờ ngừng cập nhật và tìm hiểu những cái mới. Họ cũng không ngại đầu tư thời gian và tiền bạc cho những khóa học để mở rộng thêm bộ kỹ năng của mình.
Họ duy trì ở bản thân một nỗi khát vọng dành cho tri thức, luôn tự biết rằng mình còn bé nhỏ và còn rất nhiều điều phải học hỏi. Hơn hết, mình nghĩ, đó cũng là phần lớn lý do giúp họ thành công.
Đến mấy ứng dụng trên điện thoại còn phải được cập nhật, mình nghĩ rằng, mỗi chúng ta cũng vậy thôi.
Final thoughts
Thật ra, những đúc kết trên đây đều được rút ra từ chính trải nghiệm sống của mình. Nó có thể không đúng với tất cả mọi người, hoặc mình còn bỏ sót một điều gì đó. Thế nhưng, mình vẫn rất hy vọng rằng, nó mở ra cho mọi người một cái nhìn bao quát hơn, toàn diện hơn về cuộc đời bạn đang sống.
Mình tin, với những hiểu biết này, bạn sẽ có thể tự đưa ra được những định hướng cho cuộc đời mình, và tự mình tạo dựng được một tương lai như bạn mong muốn.
Nếu như bạn quyết định làm điều đó, mình muốn gửi đến bạn một lời khích lệ, hy vọng rằng mai sau, khi nhìn lại khoảnh khắc này, bạn sẽ cảm thấy tự hào và biết ơn.
Cuối cùng, mình rất cảm ơn bạn đã ghé thăm, lắng nghe những tâm sự, những chia sẻ của mình. Mình thật sự trân trọng thời gian bạn đã bỏ ra. Hy vọng được gặp lại bạn trong nội dung khác nhé!
Hà Minh aka Cosmic Writer
Comments