Phát triển bản thân, thật ra không phải là cứ cố gắng học thêm cái mới, mà đôi khi cũng là xóa bỏ đi những thứ đã học.
Đặc biệt là những thứ không còn đúng, không còn phù hợp, không còn giúp ích cho bạn nữa.
Trong lĩnh vực quản trị tri thức (knowledge management), tồn tại một khái niệm gọi là chu kỳ bán rã tri thức (half-life of knowledge).
Khái niệm này bàn đến khoảng thời gian mà một nửa lượng kiến thức trong một vấn đề nào đó trở nên mất giá trị và cần phải được thay mới.
Hay nói cách khác, kiến thức cũng có hạn sử dụng của nó.
Đặc biệt là trong những lĩnh vực có sự phát triển nhanh, nơi những đột phá về công nghệ liên tục tạo ra những cuộc cách mạng. Chẳng hạn như trong mảng công nghệ, khoa học, truyền thông...
Do đó mà việc nhận biết những kiến thức đã lỗi thời, để từ bỏ mà cập nhật thêm những kiến thức mới, cũng là một yêu cầu quan trọng để chúng ta không bị tụt hậu. Mình từng nói đến điều này trong tập video về tự học, qua đó nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc học tập suốt đời.
Nhưng khái niệm "unlearning" còn mang những ý nghĩa sâu xa hơn thế. Như trong cuốn “Unlearn: Let Go of Past Success to Achieve Extraordinary Results”, tác giả Barry O'reily cũng cho rằng, unlearning còn là việc tháo gỡ đi những nhãn dán, buông bỏ đi những ý niệm hạn hẹp khô cứng mà chúng ta đã hình thành nên về chính mình.
Để mình lấy ví dụ. Bản thân mình đã từng:
Tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài với số điểm GPA xuất sắc.
Trở thành tác giả và xuất bản được cuốn sách đầu tay.
Được mời làm diễn giả tại chương trình TEDx trong Đà Nẵng.
Và mình rất tự hào về những trải nghiệm đó.
Nhưng sau khi đã trải qua đủ lâu, mình thấy những thành tích đó chỉ còn là những dòng chữ trong profile của mình, một vài chiếc huân chương biểu tượng cho những thành công trong quá khứ.
Ý nghĩa của chúng vì thế cũng mờ nhạt dần theo thời gian.
Khi mình tiếp tục phát triển, mình thấy những tên gọi như thạc sĩ, tác giả, diễn giả... chẳng còn đại diện cho mình nhiều nữa.
Thậm chí đeo nhiều lên cổ những huân chương đó còn làm mình cảm thấy chậm chạp hơn, và thậm chí thấy áp lực khi không liên tục có được nhiều thành công như trước.
Và mình thấy, tốt hơn hết mình cứ là mình. Một con người đang liên tục trưởng thành và thay đổi.
Sẽ có những thứ ở mình, cho dù hào nhoáng tốt đẹp, cũng vẫn nên được từ bỏ để nhường chỗ cho những sự phát triển mới.
Cũng giống như những niềm tin giới hạn (limiting belief) hay những định kiến tư duy... Cho dù chúng được tạo thành từ những trải nghiệm quá khứ, nhưng chỉ khi unlearn được những mindset tiêu cực đó, tiềm năng của chúng ta mới thật sự được mở ra.
Như Barry O'reily cũng cho rằng, "unlearn" (loại bỏ những thứ đã học), rồi sau đó là "relearn" (học lại những tri thức mới), sau cùng sẽ giúp chúng ta đạt được đến "breakthrough" (những bước tiến đột phá).
Đó là việc bạn phủ nhận đi những hạn định của con người cũ.
Để được tự do khẳng định lại mình như một con người mới.
Vậy nên, mặc cho việc này dường như thật nghịch lý, nhưng buông bỏ đôi khi cũng chính là sự trưởng thành.
Comments