Khi chia sẻ kiến thức về phát triển bản thân, mình thấy câu hỏi này xuất hiện khá nhiều.
Phần lớn thời gian, các bạn đều biết mình cần phải làm gì để thay đổi. Nhưng khoảng cách giữa "biết" và "làm" thì mênh mông không có cây cầu nào bắc qua.
Nhìn rộng ra hơn, mình thấy vấn đề này cũng hiện diện trong nhiều khía cạnh khác. Nhiều người am tường kiến thức đa lĩnh vực, động tới vấn đề gì cũng biết, nhưng hiện thực cuộc sống thì lại đầy bất ổn. Họ là những người nói hay nhưng làm không tới đâu, vì kiến thức chỉ ở trong đầu chứ không được đưa vào thực tế.
Mình nghĩ, phần nào đó con người ta bị ám ảnh với việc tích trữ kiến thức. Giống như ngày xưa đi học, những bài kiểm tra chỉ là để xem chúng ta có thể nhớ được những gì. Sau ra ngoài xã hội, nhiều kiến thức dễ khiến chúng ta gây được ấn tượng với người khác.
Nhưng mình nhận thấy, kiến thức không phải chỉ cần được tích trữ. Đó mới chỉ là bước đầu tiên trong vòng đời của kiến thức mà thôi. Để kiến thức không còn chỉ là món đồ trang sức, mà thật sự tạo ra giá trị cho cuộc đời bạn, nó còn cần phải đi qua nhiều bước nữa:
(1) Tích trữ: collection
(2) Đánh giá: assessment
(3) Cá nhân hóa: personalization
(4) Chuyển hóa / hiện thân: embodiment
Tích lũy và lưu trữ kiến thức là bước đầu tiên, mình không bàn tới. Nhưng khi "học" được mà "hành" không được, nhiều khả năng là bạn đang thiếu các bước sau:
02. Đánh giá: assessment
Bản thân kiến thức đầu vào cũng đã rất đa dạng, và không phải kiến thức nào cũng đúng hoặc có giá trị ngang nhau. Chẳng hạn như chính bài viết này, mình viết từ đúc kết và trải nghiệm cá nhân, chứ không phải một lý thuyết được rút ra từ nghiên cứu khoa học.
Tương tự như vậy, tất cả những kiến thức mà bạn thu nạp, đều sẽ có tính đúng-sai khác nhau. Để xác định rõ giá trị của chúng, chúng ta cần phải có tư duy logic và phản biện, để đánh giá (assess) xem kiến thức đó được dựa trên cơ sở thế nào, có thể kiểm chứng được hay không, có bị ảnh hưởng nhiều-hay-ít bởi thiên kiến cá nhân hay không?
03. Cá nhân hóa: personalization
Sau khi sàng lọc và thu nạp được các kiến thức chất lượng, bạn sẽ cần phải có một quá trình xử lý chúng sâu hơn. Mình nhớ cụ Nguyễn Duy Cần từng nói, việc này giống như khi chúng ta "tiêu hóa" kiến thức, biến kiến thức trở thành một phần bên trong mình.
Mình thường tiếp cận bước này theo 2 cách: (a) một là đối chiếu kiến thức đó với chính trải nghiệm của mình (chẳng hạn như việc bạn có thể xâu chuỗi 4 bước xử lý kiến thức này của mình với một trải nghiệm học tập nào đó của chính bạn), và (b) hai là liên kết nó với những kiến thức khác mà bạn đã sẵn có.
Sau bước này, bạn sẽ có thể chia sẻ và trình bày lại kiến thức đó từ chính góc nhìn của mình, bằng cách diễn đạt của mình, thông qua trải nghiệm của mình. Bạn sẽ không chỉ "biết", mà dần đạt được sự "hiểu".
04. Chuyển hóa / hiện thân: embodiment
Sau khi kiến thức đã là của bạn, tiếp theo sẽ là câu hỏi: nó sẽ giúp cho cuộc sống của bạn thế nào? Ở đây chúng ta tiếp cận kiến thức một cách thực dụng hơn, tìm kiếm mục đích sau cùng của nó, chứ không phải chỉ đơn thuần vì niềm vui trong sự hiểu biết nữa.
Giống như thức ăn sau khi tiêu hóa được chuyển đổi thành năng lượng, kiến thức sau khi được xử lý cũng cần phải được chuyển hóa thành những suy nghĩ / hành vi mới. Có thể là nó giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận, đối diện với một vấn đề. Hoặc cách bạn hành động, đưa ra quyết định trong các hoàn cảnh sống...
Khi đó kiến thức sẽ được "sống" trong bạn, được hiện thân (embodied) trong cách bạn sống... qua đó khép nối khoảng cách giữa "biết" và "làm", giữa "học" với "hành".
Bản thân mình trong ở thời điểm này, cũng đang tập trung vào giai đoạn 3 và 4 nhiều hơn. Mặc dù số lượng sách mình đọc không còn được nhiều như vài năm trước. Cuộc sống bận rộn cần mình phải làm nhiều hơn chứ không phải chỉ tiêu thụ kiến thức đơn thuần.
Nhưng mình thấy, những gì đã tích lũy và lưu trữ được từ suốt nhiều năm trước, nay đang dần chuyển hóa thành những quả ngọt hữu hình. Đó là dấu hiệu cho biết mình đang đi đúng hướng.
Thu nạp nhiều kiến thức tất nhiên là cần thiết. Nhưng đó mới chỉ là những hạt mầm được gieo trong bạn. Nếu như chúng không được nuôi dưỡng, được phát triển, được tạo cơ hội để "sống", thì những kiến thức đó rồi sẽ mai một dần vì trí nhớ của chúng ta không thể nào lưu giữ được tất cả.
Vậy nên, nhiều khi vấn đề của bạn là biết kiến thức nhưng không ứng dụng. Khi không thấy có gì đổi khác, bạn lại tưởng rằng mình thiếu kiến thức, và lại thu nạp tiếp, tích trữ tiếp... và rồi cứ kẹt trong một vòng lặp như vậy.
Đừng chỉ cất kiến thức trong đầu, mà hãy cho nó được hiện thân trong khoảnh khắc bạn sống. Đừng chỉ hướng đến việc đọc được bao nhiêu cuốn sách, mà hãy hướng đến việc làm được bao nhiêu việc, tạo được bao nhiêu giá trị...
Đừng chỉ học, hãy thực hành nhiều hơn.
Cosmic Writer
Comments