top of page

Con đường vượt qua sự tầm thường (mediocrity)


Lý do khiến cho nhiều người bị mắc kẹt trong bẫy năng lực trung bình, nghĩa là cứ làng nhàng mãi không bật lên được, theo như mình thấy, là vì họ không dám học và làm những thứ nằm ngoài phạm vi chuyên môn của mình.


Nhiều người nghĩ làm công việc chuyên môn tốt là đủ. Công việc yêu cầu những gì thì mình làm đúng như vậy.


Nhưng việc tự giới hạn bản thân bó hẹp trong chuyên môn, thật ra cũng là đang giới hạn khả năng phát triển sự nghiệp cũng như của chính bản thân họ.


Thực tế thì, trong bối cảnh của một thế giới đang thay đổi không ngừng, thứ chúng ta cần không phải chỉ là một chuyên môn duy nhất, mà phải là nhiều chuyên môn đa dạng để có thể linh hoạt thích ứng với những sự biến đổi của thế giới.


Việc chuyên môn hóa sâu, mặc dù là cần thiết để gia tăng giá trị bản thân trong thị trường lao động, điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang công cụ hóa bản thân để trở thành giải pháp của một số ít vấn đề đặc thù.


Về lâu dài, khi những cuộc cách mạng công nghệ làm xáo trộn những nhu cầu này, thì chúng ta có thể sẽ phải đối diện với rủi ro bị đào thải.


Nhưng đây không phải chỉ là vấn đề về cơ hội.


Trong cuốn "Range" thì David Epstein có đưa ra lập luận: rằng những nhà khoa học và nhà phát minh thành công nhất, thật ra đều là những người có mối quan tâm đa dạng và phong phú.


Họ tham gia vào các hoạt động nằm ngoài phạm vi chuyên môn, như âm nhạc, thể thao, văn nghệ, triết học...


Sự đa dạng hóa chuyên môn như vậy kích thích tính đàn hồi của não bộ (neuroplasticity), giúp họ gia tăng khả năng học tập và phát triển của mình.


Bên cạnh đó, việc khám phá những lĩnh vực mới cũng mang lại cho họ những góc nhìn đa chiều, áp dụng những phép loại suy (analogy) mới để họ có thể tìm ra những sáng kiến khác biệt cho lĩnh vực đang theo đuổi.


Epstein gọi đây là tư duy đa ngành (interdisciplinary thinking), và đó là chìa khóa đằng sau sự thành công của nhiều cái tên xuất chúng như:


Steve Jobs (thiết kế, công nghệ, marketing...)

Tim Ferris (kinh doanh, hiệu suất, sức khỏe...)

Noam Chomsky (ngôn ngữ học, chính trị, khoa học não bộ...)

Yuval Noah Harrari (lịch sử, kinh tế học, tương lai học...)

...

Vậy nên, dù bạn đang làm trong lĩnh vực gì, sở hữu những chuyên môn gì... con đường để bạn có được sự phát triển bứt phá, chính là việc hãy sẵn sàng để tìm hiểu những thứ mình chưa biết.


Hãy có một niềm khao khát với sự học hỏi, tò mò về thế giới xung quanh mình, háo hức với những thử thách mà bạn chưa từng làm trước đó.


  • Nếu giỏi nghiên cứu, hãy thử học thêm về kinh doanh.

  • Nếu giỏi số liệu, hãy thử học thêm về nghệ thuật.

  • Nếu giỏi viết lách, hãy thử học thêm về thuyết trình.

  • Nếu giỏi thể thao, hãy thử học thêm về tâm lý.

  • Nếu giỏi kỹ năng mềm, hãy thử học thêm về công nghệ.


Kể cả nhiều khi, thứ bạn học chỉ đơn thuần là vì niềm yêu thích (và trông nó có vẻ như chẳng liên quan gì cả), việc học hỏi đó cũng vẫn sẽ giúp bạn khám phá ra được những khía cạnh mới về tiềm năng của chính mình.


Như trong cuốn "Mastery" thì Robert Greene có viết câu này mà mình rát tâm đắc:

"Tương lai sẽ thuộc về những ai có thể học nhiều chuyên môn khác nhau, và rồi kết hợp được chúng theo những cách thức đầy sáng tạo".

Комментарии


bottom of page