Suốt hàng ngàn năm qua, xã hội con người đã có nhiều sự thay đổi mang tính cách mạng: từ cuộc cách mạng nông nghiệp, cách mạng công nghiệp, cho tới internet và sắp tới là... metaverse.
Nếu giờ quay ngược lại vài trăm năm, nói với các cụ ngày xưa rằng: "mai sau thế giới sẽ khác lắm các cụ ạ: sẽ có thể bay sang phía bên kia của trái đất chỉ trong vỏn vẹn hai hôm, có thể trò chuyện với bất kì ai trên thế giới thông qua một thứ đồ công nghệ bỏ túi, hay phụ nữ có thể đi làm và được trả lương bình đẳng giống đàn ông...", chắc các cụ sẽ trợn mắt, đập bàn mà hét lớn: "hoang đường!!!"
Thế nhưng đằng sau tất cả những sự phát triển ấy, có điều gì đó từ tận sâu trong bản chất của con người hầu như không khác mấy suốt bao năm qua. Một điều gì đó thuộc về "cốt lõi".
Con người là con người, dù ở bất kì thời kỳ nào đi chăng nữa (miễn sao chưa tiến hóa thành một giống loài siêu việt Homo Deus như Yuval Noah Harrari tiên đoán), chúng ta đều chia sẻ một số những đặc điểm cơ bản với nhau và cả với các cụ thời xưa.
Mặc cho việc đời sống xã hội ngày nay đã khác nhiều, những nỗi lo lắng và khát khao về địa vị, vật chất, thành công, thất bại; những lý tưởng vượt thời gian về một đời sống đức hạnh, về hiện thực hóa bản thân, về chân trời của hạnh phúc... vẫn luôn chảy trong huyết quản của Homo Sapiens suốt bao đời nay.
Đây là lý do mà vài năm trước, khi lần đầu đọc cuốn "Meditations" (Suy Tưởng) của vị hoàng đế triết gia La Mã Marcus Aurelius, tôi cảm thấy bị lay động mạnh mẽ, khi thấy mình hoàn toàn có thể đồng cảm với những niềm vui, nỗi buồn, lòng kiêu hãnh, sự tự ti, và những lo toan thường ngày với một người đã sống trước tôi gần 2,000 năm.
Đây cũng là lý do mà, những lời dạy của Phật, mặc dù được viết từ một giai đoạn lịch sử xã hội hoàn toàn khác biệt, vẫn có thể chạm được đến nơi tận cùng ngõ hẻm của tâm hồn người hiện đại. Với tất cả những sự phát triển, những phát minh tân tiến, đời người suốt 2,500 năm qua rốt cuộc cũng vẫn là "bể khổ" và những cuộc chạy đua không lối thoát.
Khoan vội bàn đến việc cái "cốt lõi" ấy là "linh hồn vĩnh cửu" của góc nhìn duy tâm, hay đặc tính di truyền sinh học của góc nhìn duy vật, việc nhận thức được những vấn đề của mình thật chẳng khác mấy với vấn đề của một người đã sống và đã chết từ hàng ngàn năm trước, khiến tôi nhận ra không ai là thật sự lạc lõng và cô đơn với những vấn đề của mình.
Với góc nhìn ấy, tất cả những vấn đề mà ta đang phải trải qua, đều đã từng được trải qua bởi hàng triệu kiếp người trước đó. Mọi vấn đề do đó, chỉ là bình mới rượu cũ.
Một thiếu sót mà tôi cùng nhiều người trẻ đã và đang gặp phải, đó là chỉ mải nhìn về tương lai, muốn trải nghiệm những gì mới lạ nhất, hiện đại nhất, mà không biết nhìn về lịch sử để học hỏi từ những người đi trước.
Nhiều khi ta thấy những cuốn sách cũ, với thế giới quan cổ xưa và cách hành văn lạ lẫm, là đã vội bĩu môi nghĩ rằng nó lạc hậu, cổ lỗ sĩ, và chẳng liên quan gì đến mình. Thế nhưng ẩn chứa trong đó có thể là những bài học có giá trị cho tới tận ngày nay, có thể là lời giải cho những vấn đề mà ngay bây giờ ta đang gặp phải.
Người hiện đại thường có xu hướng "tôn thờ" khoa học, mà không thật sự hiểu rằng khoa học chỉ là công cụ. Một thứ công cụ có đúng-sai nhưng không có tốt-xấu, do đó có thể bị lạm dụng vào những mục đích tồi tệ nhất, sai lầm nhất, như chế tạo vũ khí hạt nhân chẳng hạn.
Nếu như không có những giá trị đạo đức "cốt lõi" làm định hướng, thì không ai dám chắc những phát kiến của khoa học có thể được sử dụng một cách đúng đắn, có thể cải thiện đời sống của con người.
Do đó tôi nghĩ, những văn tự cổ xưa, tuy xuất phát từ thời kỳ chưa có tư duy khoa học, không nên bị rũ bỏ như những gì cũ kĩ. Có lý do để những triết lý sống ấy được tồn tại và lưu truyền cho tới tận ngày nay.
Vậy nên, ta sẽ lại càng rút ra được nhiều cái hay, cái tinh túy, vốn được lưu truyền trong suốt nhiều đời, khi sẵn sàng tìm hiểu và học hỏi từ người xưa với một góc nhìn mới mẻ của thời đại.
Một cuốn sách (yêu thích nhất) mà tôi từng đọc đã thực hiện được điều này, là: "The Happiness Hypothesis: Finding Modern Truths in Ancient Wisdom" của Jonathan Haidt (được xuất bản năm 2006). Tác giả là một giáo sư tâm lý xã hội có tiếng.
Trong cuốn sách này, ông đã lật lại những tinh hoa triết lý của cả phương Đông (Phật, Lão, Nho) và phương Tây (chủ nghĩa Khắc Kỷ), nhưng với một góc nhìn chất vấn, sàng lọc, và đối chiếu nó với những khám phá mới của khoa học trong lĩnh vực tâm lý.
Đây là cuốn sách đưa tôi đi từ choáng ngợp này tới choáng ngợp khác, và mở mang được rất nhiều điều. Rất khuyến khích mọi người tìm đọc.
Cosmic Writer
Comments