top of page

Ý nghĩa của biểu tượng trăng rằm

Từ lâu, mặt trăng đã được người Á Đông lấy làm trung tâm trong vũ trụ quan của mình.


Trong nền văn hóa nông nghiệp phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết, chu kỳ của mặt trăng do đó đóng vai trò dự báo, quyết định chất lượng mùa màng. Nhờ đó, chu kỳ này được người Trung Hoa xây dựng nên thành hệ thống lịch âm từ khoảng 4,600 năm trước.


Với tầm quan trọng như vậy, mặt trăng không phải chỉ là một thực thể tự nhiên, mà còn là một biểu tượng với những ý nghĩa sâu sắc về đời sống tinh thần. Những sự kiện lễ hội như tết trung thu là một minh chứng.


Bằng chút cảm nhận của mình, tôi mạn phép diễn giải ý nghĩa của hình ảnh tráng lệ này.


...


Trong tâm thức người Á Đông, mặt trăng là hiện thân của sự trong sáng, thuần khiết, và đức hạnh.


Về mặt ngôn ngữ học, như giáo sư Phạm Ngọc Hàm chỉ ra: những danh từ Hán-Việt được dùng để chỉ mặt trăng là những ý niệm ẩn dụ, gợi ra những phẩm chất tinh khôi như thể một hòn ngọc quý, ngời sáng giữa màn đêm.


Màn đêm là biểu tượng của những gì thầm kín, bí ẩn, xa lạ... và mặt trăng là ánh sáng soi chiếu cõi miền sâu thẳm ấy.


Khác với mặt trời, mặt trăng cần phải vượt qua chu kỳ đi sâu vào bóng tối, mới có thể trở về với sự tròn đầy, tỏa sáng vẹn nguyên. Quá trình này tượng trưng cho sự chuyển hóa về tinh thần:


Như được khắc họa trong biểu tượng Ouroboros của nhiều nền văn minh (con rắn xoay vòng quanh chính nó), hình tròn của mặt trăng còn tượng trưng cho những vòng lặp: của ngày và đêm, của sinh và tử, của quá trình hủy diệt và tái tạo chính mình, liên tục tiếp diễn một cách vô tận đến vĩnh cửu...


Trong quan niệm truyền thống, mặt trời là "dương", tượng trưng cho tính nam, còn mặt trăng là "âm", tượng trưng cho tính nữ. Truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ đã phần nào làm sáng tỏ những thái cực này.


Điều này có nghĩa: ngày trăng tròn sáng nhất, cũng tượng trưng cho sự hòa hợp đồng nhất của những thái cực đối lập: giữa âm với dương, giữa tính nam với tính nữ. Vì khi ấy mặt trăng được bao trọn trong hơi ấm của mặt trời, phản chiếu lại ánh sáng ấy khắp trần gian.


Sự hợp nhất ấy thể hiện tính cân bằng của tự nhiên, kết tinh bằng sự trù phú thịnh vượng, sinh sôi nảy nở, đâm hoa kết trái, mùa màng tốt tươi... càng tạo thành dịp để mọi người ăn mừng lễ hội.


...


Ở góc độ tâm lý học phân tích (analytical psychology), hình ảnh trăng tròn còn là biểu tượng của sự hợp nhất giữa vô thức và ý thức.


Trong cuốn "The Origins and History of Consciousness", nhà phân tâm Erich Neumann cho rằng: hình tròn tượng trưng cho sự toàn hảo căn nguyên của thế giới, là một tổng thể khép kín và tự cân bằng với chính nó, một lý tưởng toàn vẹn của tự nhiên, không đầu không cuối, không trước không sau...


Quan niệm này cũng phản ánh góc nhìn của nhà tâm lý Carl Jung: hình tròn (như trong các biểu tượng tâm linh mandala), tượng trưng cho tự ngã (the Self). Trong học thuyết của ông, tự ngã vừa là nguồn cội sâu nhất của tâm hồn, vừa là nơi bao trọn tất cả những tiềm năng, là cái nôi cho sự phát triển hài hòa và toàn vẹn của tinh thần.


Sự hợp nhất này cũng được biểu hiện thông qua những nghi thức truyền thống của ngày tết trung thu:


Chẳng hạn như chiếc mặt nạ mà con trẻ thường đeo (của chị Hằng, chú Cuội...). Trong quan niệm của Jung, những nhân vật truyền thuyết là những biểu tượng văn hóa, được hình thành nên từ những "bản năng tâm lý" trong vô thức của con người.


Trẻ em, với tâm hồn trong sáng và thuần khiết, thường được cho rằng sẽ dễ dàng kết nối được với những nét đẹp thiêng liêng và thần diệu ban sơ của thế giới (theo phân tích của Barbara Cohen).


Do đó, sự hóa thân vào những nhân vật giả tưởng này dưới ánh trăng rằm, cũng tượng trưng cho cánh cổng tinh thần kết nối giữa vô thức và ý thức, giữa tỉnh và mơ, giữa thực tế và thần thoại, và làm sống dậy nguồn năng lượng sáng tạo nguyên thủy từ sâu trong lòng người...


...


Xuyên suốt lịch sử, ngày rằm là những sự kiện hiếm hoi khi con người được chứng kiến một hình tròn toàn mỹ của tự nhiên. Vậy nên, nó cũng đồng thời là tấm gương phản chiếu lại những khát vọng nơi tâm hồn con người, tượng trưng cho sự trọn vẹn, hợp nhất, thuần khiết, và thịnh vượng.


Mặt trăng như con mắt soi khắp thế gian, vừa gần gũi vừa thần bí. Ánh sáng diệu huyền của nó là nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ. Những ý nghĩa ẩn tàng hơn của hình ảnh trăng rằm, có lẽ tôi sẽ không thể diễn giải được tường tận.


Nhưng bản thân quá trình diễn giải này, cho tôi thấy thế giới xung quanh mình còn rất nhiều ý nghĩa. Ẩn đằng sau những gì quen thuộc ta vẫn thường nhìn thấy, có khi là những câu chuyện dài, hay những thông điệp có thể đổi thay cách mình quan sát thực tại.


Cosmic Writer


Comments


bottom of page